Ủy ban Thống kế Quốc gia Trung Quốc đầu tháng 1 công bố báo cáo cho thấy GDP nước này tăng trưởng 8,1% trong năm 2021, tương đương 80% nền kinh tế Mỹ nếu tính theo đồng đôla.
Số liệu này dường như củng cố nhận định của Jin Canrong, giáo sư Đại học Nhân dân Trung Quốc kiêm phó hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc đại học này, rằng Trung Quốc sẽ bắt kịp Mỹ về GDP vào năm 2025, sau đó vượt vào năm 2035 về năng lực công nghệ và khoa học.
Nhưng một báo cáo khác gần đây hơn cho thấy GDP Trung Quốc chỉ tăng trưởng 4% trong quý IV năm 2021. "Với tốc độ suy giảm kinh tế nghiêm trọng mà chúng ta đang thấy, ngày Trung Quốc vượt Mỹ càng xa vời hơn", Yan Xuetong, giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế Đại học Thanh Hoa, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong một bài giảng gần đây về những định kiến của sinh viên ngày nay.
Yan cho rằng những sinh viên Trung Quốc sinh sau năm 2000 "thường có xu hướng tự tin thái quá, cho rằng các quốc gia khác yếu kém hơn, nhìn nhận quan hệ quốc tế qua lăng kính mơ mộng và tin rằng mục tiêu chính sách đối ngoại của nước nhà có thể đạt được một cách dễ dàng".
"Họ nghĩ các giá trị phổ quát của nhân loại như hòa bình, đạo đức, công bằng và công lý đều là truyền thống vốn có của Trung Quốc. Họ cho rằng chỉ có Trung Quốc là chính nghĩa, còn các nước khác, đặc biệt là phương Tây, đều xấu xa", Yan nói.
Học giả Đại học Thanh Hoa cho rằng tác động của những ý kiến cực đoan này rất nghiêm trọng, khiến sinh viên tin vào cả những "thuyết âm mưu" vô căn cứ mà người nổi tiếng trên mạng chia sẻ.
Yan là học giả hàng đầu về chủ nghĩa hiện thực của Trung Quốc. Cách đây một thập kỷ, ông từng tuyên bố nguyên tắc "giấu mình chờ thời" trong chính sách đối ngoại của Đặng Tiểu Bình đã lỗi thời và dự đoán đúng căng thẳng ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình khi đó vừa trở thành lãnh đạo Trung Quốc. Với nhận định của mình, Yan nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Nhưng ngay cả người từng ủng hộ lập trường cứng rắn với Mỹ như Yan giờ cũng tin rằng xu hướng tự tin hiện tại của Trung Quốc hơi quá mức.
Chỉ một năm trước, thái độ tự tin mới hình thành của Trung Quốc được xem là điều tích cực. Trung Quốc đã quảng bá họ là quốc gia duy nhất có thể ngăn chặn thành công Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Giáo sư Jin Canrong thậm chí còn dự đoán rằng không chỉ bắt kịp Mỹ về GDP và năng lực khoa học công nghệ, Trung Quốc cũng có thể thể hiện rõ rệt sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương vào năm 2035.
Theo Jin, Mỹ sẽ không thể bắt kịp Trung Quốc về năng lực sản xuất và Bắc Kinh sẽ vượt Washington về sức mạnh quốc gia toàn diện, kéo theo ảnh hưởng quốc tế lớn hơn. Những nhận định này được đưa ra khoảng một tháng trước khi các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc gặp nhau ở Alaska hồi tháng 3/2021.
Cơ sở cho sự tự tin của Jin là nền kinh tế Mỹ bị đình trệ, với một số nhà phân tích cho rằng Washington đã thất bại trong ứng phó đại dịch. Một số khác cho rằng sức mạnh quốc gia Mỹ cũng đang suy giảm. Ông Tập nhiều lần nhấn mạnh "tự tin" vào mô hình điều hành hiện nay của Trung Quốc ưu việt hơn phương Tây.
Sau thất bại trong phản ứng đầu tiên với Covid-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc áp dụng chiến lược "Không Covid" nghiêm ngặt. Vào nửa cuối năm 2020, Trung Quốc tin rằng đã ngăn chặn virus thành công.
Khi nền kinh tế phục hồi nhanh chóng cho đến nửa đầu năm 2021, còn các nền kinh tế phương Tây sa sút, Trung Quốc càng trở nên tự tin hơn. Nghị quyết lịch sử được đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua hồi tháng 11/2021, "kinh nghiệm và thành công" trong chiến lược Không Covid được coi là thành tựu chính trị của ông Tập.
Nhưng tháng này, tình hình dường như trở nên tồi tệ hơn. Ngày 15/1, thủ đô Bắc Kinh lần đầu ghi nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên. Ngày 17/1, truyền thông cho biết tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm năm thứ năm liên tiếp và xuống mức thấp nhất kể từ năm 1949.
Áp lực lớn sẽ đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu từ quý đầu tiên năm 2022. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng dù họ hy vọng tình hình sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm nay, nền kinh tế Trung Quốc sẽ khó đạt được mức tăng trưởng 5%.
Hồi cuối năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) dự đoán GDP Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2033, muộn hơn 5 năm so với dự báo trước đó. Chỉ một năm trước, JCER dự đoán Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2028.
JCER viện dẫn hai yếu tố: tăng trưởng năng suất giảm do quy định khắt khe hơn của chính phủ Trung Quốc đối với các công ty tư nhân và tình trạng thiếu lao động do dân số giảm trong thời gian dài.
Katsuji Nakazawa, nhà phân tích của Nikkei Asia, cho rằng các quan chức cấp cao và cả người dân bình thường của Trung Quốc đang rơi vào tình trạng quá tự tin, làm lu mờ những nhận định khách quan.
Thông tin về suy giảm kinh tế của Trung Quốc trong quý IV năm 2021 được đưa ra cùng ngày Chủ tịch Tập Cận Bình có bài phát biểu qua video tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
"Thay đổi trong môi trường kinh tế nội địa và quốc tế đã mang tới áp lực to lớn, nhưng chúng tôi tin tưởng vào nền kinh tế tương lai của Trung Quốc", ông Tập nói.
"Niềm tin của ông Tập liệu có khác với thái độ tự tin thái quá hay không? Liệu nó có dẫn tới những điều chính chính sách linh hoạt không? Còn quá sớm để trả lời", Nakazawa viết.
Thanh Tâm (Theo Nikkei Asia)