Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cuối năm 2021 công bố trên cổng thông tin quy định mang tên "Tiêu chuẩn tùy nghi xử phạt hành chính nghề cá trên biển". Văn bản được ghi có hiệu lực từ ngày 26/11/2021, nhưng được đăng tải chính thức gần một tháng sau, vào ngày 22/12/2021.
Trả lời VnExpress, thạc sĩ Hoàng Việt, nhà nghiên cứu Biển Đông và chuyên gia luật biển quốc tế tại Đại học Luật TP HCM, đánh giá đây là một phần mưu tính thay đổi chiến thuật pháp lý của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt khi yêu sách "đường lưỡi bò" đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) bác bỏ hoàn toàn trong phán quyết năm 2016.
Cục Đại dương, Môi trường Quốc tế và Các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/1 cũng công bố tài liệu nghiên cứu bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý cũng như khái niệm "quyền lịch sử" mà Trung Quốc đơn phương đưa ra để yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Đây được coi là một "đòn pháp lý" mạnh mẽ mà Washington tung ra nhắm vào lập luận Bắc Kinh đưa ra mà không có căn cứ nào dựa trên luật pháp quốc tế.
"Trung Quốc luôn có tham vọng độc chiếm Biển Đông, nhưng lại không có cơ sở pháp lý nào để thực hiện được điều đó. Chính vì vậy, họ đổi chiến thuật bằng cách đưa ra các quy định trong nội luật, tạo cái gọi là 'cơ sở pháp lý' cho những hành động quyết liệt trên biển", chuyên gia cho biết. "Các quy định đó đều vi phạm luật quốc tế, nên các quốc gia liên quan không có nghĩa vụ tuân thủ".
Trong thông báo bằng tiếng Trung hơn 500 từ về "Tiêu chuẩn tùy nghi xử phạt hành chính nghề cá trên biển", giới chức Trung Quốc tuyên bố sẽ thí điểm xử phạt ngư dân nước ngoài tối đa 400.000 nhân dân tệ (khoảng 67.000 USD) nếu "hoạt động trái phép" trong vùng biển Bắc Kinh tuyên bố "là vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa". Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc còn cảnh báo ngư dân "vi phạm" có thể bị có thể bị hải cảnh Trung Quốc xua đuổi và tịch thu ngư cụ.
Nếu ngư dân nước ngoài đánh bắt trong khu vực Trung Quốc coi là "lãnh hải" hoặc khu vực sát bờ biển nước này, họ có thể bị phạt tới 500.000 nhân dân tệ (78.500 USD) và bị tịch thu tàu thuyền. Quy định mới của Trung Quốc còn cảnh báo nếu các "hoạt động bất hợp pháp" xảy ra tại một khu vực mà chính quyền địa phương đã quy định mức xử phạt nặng hơn thì sẽ áp dụng hình phạt của địa phương trước.
Đây là văn bản quy phạm pháp luật thứ ba liên quan hoạt động trên Biển Đông được Trung Quốc công bố trong năm qua. Ngoài quy định xử phạt tàu cá nước ngoài, nước này còn ban hành hai luật sửa đổi về các vấn đề biển gồm Luật Hải cảnh và Luật An toàn giao thông hàng hải.
Theo chuyên gia Hoàng Việt, các nhà nghiên cứu quốc tế đều chỉ ra rằng Trung Quốc đã cố tình mập mờ trong khái niệm "vùng biển thuộc quyền tài phán Trung Quốc" trong cả hai luật trên.
Khái niệm này một lần nữa xuất hiện trong quy định xử phạt ngư dân nước ngoài do Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc công bố. Bởi vậy, ông Việt cho rằng cách ban hành khái niệm mập mờ này chính là một phần trong "chiến thuật" mới của Trung Quốc trên lĩnh vực pháp lý.
Theo giáo sư Raul Pete Pedrozo, cựu đại tá hải quân đang làm việc tại Trung tâm Luật Quốc tế Stockton thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, Trung Quốc sẽ dùng những quy định nội luật trên để tạo cớ triển khai thêm lực lượng hải cảnh và dân quân biển đến Biển Đông nhằm duy trì hiện diện thường trực. Đây là một phần trong toan tính củng cố những yêu sách hàng hải và chủ quyền bất hợp pháp của Bắc Kinh.
"Hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ gia tăng hiện diện ở Biển Đông dưới vỏ bọc thực thi pháp luật nhằm ngăn tàu nước ngoài hoạt động ở vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố là 'thuộc quyền tài phán' bất chấp luật pháp quốc tế", Pedrozo cảnh báo.
Theo chuyên gia Mỹ, Trung Quốc có thể triển khai những động thái lẻ tẻ khác nhằm thực thi luật mới, nhưng hải cảnh và dân quân biển vẫn đóng vai trò chủ lực trong chiến dịch hăm dọa tàu thuyền các nước, nhằm củng cố khả năng kiểm soát ở thực địa của Bắc Kinh.
Ông lưu ý những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biển mà Trung Quốc ban hành thời gian qua là cách thức Bắc Kinh thăm dò phản ứng từ cộng đồng quốc tế bằng yêu cầu tàu thuyền nước ngoài "xin phép, báo cáo" khi hoạt động trên vùng biển mà nước này cho là thuộc quyền tài phán của mình.
Trong vài năm qua, Bắc Kinh đã đòi mọi tàu chiến đi qua vùng biển "thuộc quyền tài phán" phải khai báo hải trình. Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi mà nước này thông qua còn tiến thêm một bước, khi buộc tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu ngầm hoặc phương tiện chở một số loại hàng hóa nhất định như vật liệu phóng xạ hay chất độc hại, thậm chí cả dầu mỏ và khí đốt, phải khai báo, xin phép trước.
Pedrozo cho rằng đây là động thái cản trở giao thông hàng hải trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Công ước An toàn Sự sống trên Biển (SOLAS).
Các chuyên gia cảnh báo những quy định nội luật đơn phương từ Trung Quốc có nguy cơ làm gia tăng bất ổn ở Biển Đông. Trung Quốc cũng đang tìm cách tác động tới luật quốc tế để có thể mang lại những lợi ích cho riêng họ, bất chấp lợi ích của các quốc gia khác.
"Bắc Kinh hoàn toàn không tôn trọng luật pháp quốc tế nói chung và luật biển nói riêng. Dù là một bên tham gia UNCLOS, Trung Quốc lại không tuân thủ hàng loạt điều khoản trong công ước. Hầu hết quy định nội luật Trung Quốc áp dụng cho những tuyên bố hàng hải của họ đều trái với UNCLOS và thông lệ quốc tế", Pedrozo nói.
Theo chuyên gia Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang chịu đe dọa nghiêm trọng từ những hành vi nguy hiểm và khiêu khích của Trung Quốc. Những hành động trong thời gian qua của Bắc Kinh rõ ràng nhằm thúc đẩy các tuyên bố hàng hải phi pháp và hướng đến mục tiêu đe dọa những bên còn lại tại Biển Đông.
"Trung Quốc có quyền ban hành luật nội địa, nhưng chỉ trong phạm vi lãnh thổ của họ, và các luật này không được trái với quy định của luật quốc tế. Cách Trung Quốc ra sức dùng nội luật để hiện thực hóa tham vọng của họ sẽ thất bại, bởi cộng đồng quốc tế không dễ gì chấp nhận các toan tính sai trái và vi phạm luật quốc tế", chuyên gia Hoàng Việt nhấn mạnh.
Thanh Danh