"Trong 30 năm tới, vấn đề tăng dân số khủng khiếp hiện nay có thể được giải quyết và sau đó chúng ta có thể áp dụng các chính sách dân số khác", đảng Cộng sản Trung Quốc viết trong thư ngỏ gửi các đảng viên và thanh niên năm 1980, thời điểm nước này bắt đầu thực hiện chính sách một con.
Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Sau gần 4 thập kỷ áp dụng chính sách kiểm soát dân số nghiêm ngặt bậc nhất thế giới, tỷ lệ sinh của Trung Quốc gần đây liên tiếp giảm trong nhiều năm, buộc Bắc Kinh phải nỗ lực tìm mọi biện pháp "chữa cháy".
Kể từ khi xóa bỏ chính sách một con năm 2016, Trung Quốc đi theo hướng gần như trái ngược với thời kỳ trước đó, đóng cửa các cơ sở phá thai và không ngừng mở rộng dịch vụ giúp các cặp vợ chồng sinh thêm con.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng nhận ra rằng hệ quả mà chính sách một con để lại quá nặng nề và rất khó đảo ngược, khi số phụ nữ trong độ tuổi sinh nở ngày càng giảm và tâm lý ngại kết hôn của thế hệ con một ngày càng phổ biến.
Ngoài ra, Trung Quốc còn đối mặt với vấn đề vô sinh nghiêm trọng hơn nhiều quốc gia khác. Theo một cuộc khảo sát của nhóm nghiên cứu Đại học Bắc Kinh, khoảng 18% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản ở nước này bị vô sinh, trong khi mức trung bình toàn cầu là 15%.
Chính phủ Trung Quốc suốt nhiều năm qua kêu gọi phụ nữ trì hoãn kết hôn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết xu hướng phụ nữ muốn có con ở độ tuổi cao hơn dường như là một phần nguyên nhân khiến tỷ lệ vô sinh tăng. Một số khác thêm rằng tình trạng sử dụng rộng rãi các biện pháp tránh thai, phá thai suốt nhiều năm cũng có thể là lý do của hiện tượng này.
Phá thai nhiều lần có thể ảnh hưởng đến cơ thể và khả năng sinh sản của phụ nữ, theo Ayo Wahlberg, nhà nhân chủng nghiên cứu về tỷ lệ sinh của Trung Quốc học tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch.
Tỉnh Sơn Đông từng nổi tiếng với các biện pháp kiểm soát sinh nở cực đoan, như chiến dịch "Trăm ngày không thêm em bé" được một số phường ở thành phố Liêu Thành phát động năm 1991. Một bộ phim tài liệu năm 2012 do đài Phoenix của Hong Kong thực hiện cho thấy các quan chức ở Liêu Thành buộc phụ nữ có thai phải đến các cơ sở phá thai, ngay cả khi đó là đứa con đầu tiên, để duy trì dữ liệu dân số "đẹp hơn".
Bắc Kinh nhiều năm sau đó cấm thực thi các chính sách kiểm soát sinh sản quá tàn nhẫn, như bỏ tù, đánh đập các vợ chồng vi phạm chính sách một con hay hủy hoại tài sản của họ. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc không phản hồi yêu cầu bình luận về vấn đề này. Một quan chức Ủy ban Y tế tỉnh Sơn Đông cũng từ chối bình luận và chỉ nói rằng Sơn Đông đang sửa luật kế hoạch hóa gia đình để khuyến khích sinh con.
Sơn Đông đã bồi thường hoặc trợ cấp cho hàng triệu gia đình bị ảnh hưởng bởi chính sách một con. Năm 2019, số tiền chi cho mục đích này lên tới hơn 5 tỷ nhân dân tệ (khoảng 780 triệu USD), theo ủy ban y tế tỉnh.
Sau nhiều nỗ lực khắc phục của chính phủ Trung Quốc, tỷ lệ phá thai ở nước này đã giảm mạnh. Theo dữ liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia, số ca phá thai đã giảm từ 14 triệu năm 1991 xuống dưới 9 triệu trong năm 2020. Số lượng trung tâm kế hoạch hóa gia đình, chủ yếu được sử dụng để phá thai hay triệt sản, đã giảm còn 2.810 vào năm 2020, ít hơn 10% so với năm 2014.
Trong khi đó, số ca thụ tinh nhân tạo (IVF) đã tăng gấp đôi, từ mức 485.000 năm 2013 lên hơn 1 triệu vào năm 2018, cao gấp 3 lần Mỹ.
Theo nghiên cứu của Wahlberg, các biện pháp hỗ trợ sinh đẻ ở Trung Quốc đã có từ lâu, bất chấp chính sách một con. Tháng 3/1988, một thập kỷ sau khi em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên thế giới chào đời ở Anh, bác sĩ phụ khoa Zhang Lizhu ở Bắc Kinh đã đón em bé thụ tinh nhân tạo đầu tiên của Trung Quốc. Ba tháng sau, một em bé IVF khác chào đời ở Trường Sa dưới sự hướng dẫn của nhà di truyền học Lu Guangxiu.
Cả hai bác sĩ đều chủ yếu thực hiện nghiên cứu trong bí mật, khi phải đến đầu những năm 2000, các biện pháp hỗ trợ sinh đẻ này mới được hợp pháp hóa. Hiện tại, phương pháp của hai bác sĩ Zhang và Lu được xem là một trong những biện pháp quan trọng của chính phủ Trung Quốc trong nỗ lực đảo ngược xu hướng sinh giảm.
Số trẻ sơ sinh ở Trung Quốc năm 2020 giảm 18% so với một năm trước đó và dữ liệu dự kiến công bố trong tháng này sẽ cho thấy mức sụt giảm lớn hơn. Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc, số con trung bình mà một người phụ nữ có trong cả cuộc đời, năm 2020 giảm xuống 1,3, thấp hơn mức 1,34 của Nhật Bản.
Trung Quốc hiện có 536 trung tâm điều trị vô sinh, theo Ủy ban Y tế Quốc gia, nhưng hầu hết tập trung ở các đô thị giàu có như Bắc Kinh và Thượng Hải. Các bệnh viện lớn cũng bổ sung dịch vụ hỗ trợ sinh sản cho các phòng khám kế hoạch hóa gia đình. Trung Quốc đang cố gắng đưa những dịch vụ như vậy tới các thành phố nhỏ hơn trên khắp cả nước.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng một cơ sở cung cấp dịch vụ IVF cho trung bình mỗi 2,3-3 triệu người vào năm 2025. Nhiều tỉnh của Trung Quốc cho biết dịch vụ thụ tinh nhân tạo hiện tại không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Tỉnh Cam Túc chỉ có ba cơ sở hỗ trợ sinh sản và tất cả đều ở thủ phủ Lan Châu. Cam Túc đặt mục tiêu có 7 cơ cở vào năm 2025.
Tiến sĩ Lu, một trong những nhà tiên phong của IVF, năm 2002 thành lập Bệnh viện Phụ Sản và Di truyền Citic-Xiangya, một trong những bệnh viện hỗ trợ sinh sản lớn nhất thế giới ở Trường Sa. Bệnh viện này đã giúp 180.000 em bé chào đời kể từ khi thành lập. Chi phí trung bình cho một quá trình điều trị vô sinh ở bệnh viện này vào khoảng 40.000 nhân dân tệ, (6.000 USD).
Sau một lần sảy thai vào năm 2018, một phó giáo sư họ Wang ở Bắc Kinh cho biết cô không chắc có thể trở thành mẹ. Nhưng năm ngoái, Wang đã sinh một bé trai bằng phương pháp IVF với chi phí hơn 50.000 nhân dân tệ.
"Tôi sẽ mang thai thêm lần nữa nếu tôi trẻ hơn vài tuổi và quá trình này không quá khó khăn", Wang, 36 tuổi, nói.
Chi phí điều trị vô sinh ở Trung Quốc không được bảo hiểm chi trả. Tại Nhật Bản, chính phủ mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế công cộng cho một số phương pháp điều trị vô sinh.
Tuy nhiên, giáo sư Wahlberg cho rằng thúc đẩy các dịch vụ chữa vô sinh sẽ không thể giải quyết được toàn bộ vấn đề hiện nay của Trung Quốc. "Tỷ lệ sinh thấp là vấn đề xã hội, chứ không chỉ là vấn đề sinh học", ông nói.
Quan điểm của người Trung Quốc về gia đình và sinh đẻ đã thay đổi trong vài thập kỷ qua và những nỗ lực mới nhất của chính phủ không thể dễ dàng đảo ngược mọi thứ, theo Yi Fuxian, nhà nghiên cứu ở Mỹ. Yi dự đoán dữ liệu năm 2021 có thể cho thấy dân số Trung Quốc bắt đầu giảm, sớm hơn nhiều năm so với dự báo của chính phủ.
Để khuyến khích sinh đẻ, một số chính quyền địa phương hứa hẹn thưởng tiền mặt và tăng thời gian nghỉ thai sản cho người dân. Nhưng một số nhà nghiên cứu cho rằng các biện pháp như vậy chưa đủ để giải quyết vấn đề.
James Liang, doanh nhân nổi tiếng kiêm giáo sư nghiên cứu kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, người từ lâu ủng hộ dỡ bỏ hạn chế sinh ở Trung Quốc, cho biết rất khó để nước này ngăn chặn suy giảm tỷ lệ sinh nếu không tung ra những khoản trợ cấp tài chính khổng lồ cho các gia đình có thêm con.
"Tất cả đều phụ thuộc vào tiền. Bạn không thể thay đổi suy nghĩ của mọi người hoặc ép buộc họ phải sinh thêm con để tăng dân số", Liang nói.
Ông ước tính để cải thiện tỷ lệ sinh, chính phủ cần hỗ trợ trung bình 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 160.000 USD) cho mỗi đứa trẻ được sinh ra, dưới các hình thức như cấp tiền mặt, giảm thuế, trợ cấp nhà ở và nhà trẻ.
Cát Lâm, một trong những tỉnh đông bắc có tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước, tháng trước cho biết các ngân hàng địa phương sẽ cung cấp hạn mức tín dụng 200.000 nhân dân tệ lãi suất thấp, do chính phủ hỗ trợ, cho mỗi cặp vợ chồng sinh con.
Chính quyền tỉnh cũng thêm rằng họ không hoàn lại các khoản tiền phạt vì vi phạm chính sách sinh nở trước đây, đồng thời thêm rằng giới chức cần giải thích cho những người từng bị phạt rằng tình hình đã thay đổi và bây giờ người dân được khuyến khích sinh thêm con.
Wang Pei’an, cựu quan chức kế hoạch hóa gia đình, năm 2017 từng cho rằng trong 100 năm tới, Trung Quốc không có khả năng đối mặt với nguy cơ thiếu hụt dân số. Tuy nhiên, Wang hiện kêu gọi người trẻ sống có trách nhiệm và sinh thêm con.
"Chúng ta nên chú ý tới các giá trị xã hội của việc sinh đẻ", Wang, hiện là cố vấn chính trị của chính phủ Trung Quốc, nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ)