"Quân đội Mỹ tăng đáng kể triển khai quân sự ở Biển Đông kể từ năm 2021 cả về quy mô huấn luyện, tần suất và kịch bản diễn tập", Hồ Ba, giám đốc Tổ chức Sáng kiến Theo dõi Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) có trụ sở tại Bắc Kinh, nói trên truyền hình nhà nước Trung Quốc cuối tuần trước. "Hình thức hoạt động của các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ngày càng phức tạp và khó lường".
Tuyên bố được Hồ Ba đưa ra sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson và nhóm đổ bộ tấn công USS Essex cùng tiến vào Biển Đông hôm 11/1. Hai nhóm "siêu chiến hạm" Mỹ sau đó tiến hành hoạt động diễn tập chung kéo dài gần một tuần trên Biển Đông.
Các chiến hạm Mỹ trước đây thường tiến vào Biển Đông theo ngả kênh Ba Sĩ nằm giữa Philippines và đảo Đài Loan, song hải trình và thời gian hoạt động của chiến hạm Mỹ trở nên đa dạng hơn kể từ năm ngoái, giám đốc SCSPI nói.
Hồ sơ hàng hải và ảnh vệ tinh cho thấy các nhóm tác chiến của hải quân Mỹ gần đây có xu hướng đi qua tuyến đường hẹp nằm giữa các đảo của Philippines để tới Biển Đông, trong đó có eo biển Balabac nằm giữa đảo Verde và Mindoro.
Trong đợt triển khai tuần trước, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tiến vào Biển Đông qua eo biển Balabac để hội quân với nhóm đổ bộ tấn công Essex trên Biển Đông.
Lã Lễ Thi, cựu giảng viên học viện của lực lượng phòng vệ trên biển Đài Loan, cho biết những hải trình mới của các nhóm tác chiến hải quân Mỹ dường như là biện pháp đối phó với với chiến lược chống tiếp cận của quân đội Trung Quốc, vốn nhằm ngăn các lực lượng bên ngoài can thiệp vào khu vực ngoài khơi đảo Đài Loan và Biển Đông.
"Tôi cho rằng hải quân Mỹ đang tìm cách né hệ thống radar vượt đường chân trời Trung Quốc bố trí trên đá Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập, vốn từng nhắm vào chiến hạm và máy bay Mỹ", ông Lã cho biết. Ba thực thể này thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng Trung Quốc chiếm giữ trái phép, bồi đắp thành đảo nhân tạo và triển khai radar, thiết bị quân sự tới đây.
"Hải quân Mỹ có thể lợi dụng địa hình nhiều đảo của Philippines để tiếp cận và bất ngờ xuất hiện ở đâu đó mà quân đội Trung Quốc không ngờ tới, do các radar vượt đường chân trời rất khó giám sát tàu chiến xuất hiện từ một nhóm đảo", chuyên gia Lã nhận định.
Chuyên gia Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore đánh giá cách di chuyển và chọn hải trình mới phù hợp với khái niệm triển khai lực lượng linh hoạt của hải quân Mỹ.
"Thay vì chỉ dùng những tuyến đường truyền thống, tăng cường khai thác các hải trình mới sẽ giảm khả năng đối thủ dự đoán được hướng di chuyển của tàu chiến Mỹ", Koh nói. "Điều này làm tăng tính linh hoạt chiến thuật và chiến lược trong thời bình cũng như khi xảy ra tình huống khẩn cấp".
Mỹ và các nước phương Tây như Anh, Pháp và Đức gần đây tăng cường hiện diện quân sự và tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng leo thang do Trung Quốc mở rộng lực lượng hải quân và thiết lập các tiền đồn quân sự trên đảo nhân tạo bồi đắp trái phép trong khu vực.
SCSPI cho biết lịch trình hoạt động của hải quân Mỹ tại Biển Đông năm nay bắt đầu sớm hơn hai tuần so với năm ngoái. Các nhóm tác chiến tàu sân bay đi vào Biển Đông 10 lần trong năm ngoái, 6 lần trong năm 2020 và 5 lần trong năm 2019.
Mỹ nhiều lần phản đối các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực, cáo buộc nước này quân sự hóa Biển Đông và đe dọa các nước láng giềng. Cục Đại dương, Môi trường Quốc tế và Các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/1 công bố tài liệu 47 trang bác bỏ cơ sở địa lý và lịch sử liên quan đến các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 14/1 cho biết Việt Nam nhiều lần khẳng định quan điểm nhất quán và rõ ràng rằng "luôn phản đối và không chấp nhận mọi yêu sách liên quan không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982".
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)