Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức hôm nay cho biết hộ vệ hạm Bayern tiến vào Biển Đông và dự kiến mất vài ngày để tới Singapore. Đây là lần đầu tiên trong 19 năm qua một chiến hạm Đức đi qua Biển Đông, tuyến hàng hải nơi 40% dòng chảy thương mại của châu Âu đi qua.
Trước khi hộ vệ hạm Bayern tiến vào Biển Đông, các quan chức Đức cho biết chiến hạm sẽ di chuyển theo tuyến hàng hải thương mại thông thường, không đi qua eo biển Đài Loan và cũng không đi vào phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể ở Biển Đông.
Tuy nhiên, chính phủ Đức khẳng định hải trình qua Biển Đông của hộ vệ hạm Bayern nhằm khẳng định nước này không chấp nhận yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực.
Động thái điều chiến hạm đi qua Biển Đông của Đức cho thấy nước này ngày càng quan tâm đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các chuyên gia nhận định.
Aristyo Rizka Darmawan, giảng viên ngành luật quốc tế tại Đại học Indonesia, cho biết Đức muốn "cảnh báo Trung Quốc không vi phạm luật pháp quốc tế và tránh gây leo thang căng thẳng trong khu vực" khi điều hộ vệ hạm Bayern qua Biển Đông.
Hải quân nhiều nước gần đây tăng cường hiện diện tại Thái Bình Dương và Biển Đông, cho thấy tầm quan trọng của khu vực này với thế giới. Mỹ liên tục triển khai các chuyến tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, trong khi Nhật Bản, Australia, Canada và Ấn Độ điều tàu chiến diễn tập trên Thái Bình Dương.
Bayern là hộ vệ hạm lớp Brandenburg của hải quân Đức, được biên chế tháng 6/1996. Các chiến hạm lớp Brandenberg có chức năng chính là săn ngầm, nhưng cũng có thể thực hiện nhiệm vụ phòng không, chỉ huy chiến thuật cho biên đội tàu mặt nước và tác chiến đối hải.
Hộ vệ hạm Bayern không phải chiến hạm mới và uy lực nhất trong hạm đội tàu mặt nước của hải quân Đức, năng lực răn đe của con tàu rất giới hạn. Đức chọn hộ vệ hạm Bayern cho hải trình qua Biển Đông có thể nhằm hạn chế khả năng Trung Quốc đưa ra phản ứng quyết liệt và gia tăng nguy cơ đụng độ.
Hộ vệ hạm tên lửa Bayern của Đức và hơn 200 thành viên thủy thủ đoàn rời cảng Wilhelmshaven hôm 2/8, bắt đầu hành trình đến châu Á - Thái Bình Dương với các điểm dừng chân dự kiến tại một số nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
"Tôi cho rằng việc đón tàu quân sự nước ngoài là hoạt động bình thường trên cơ sở hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước và được thực hiện theo quy định pháp luật Việt Nam", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết trong buổi họp báo ngày 5/8 khi được hỏi về thông tin chiến hạm Đức lên kế hoạch tới Biển Đông.
Bà Hằng cho biết chủ trương nhất quán của Việt Nam là hoạt động trên biển của các quốc gia trong và ngoài khu vực cần tuân thủ đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, đóng góp có trách nhiệm trong duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, trật tự thượng tôn pháp luật, hợp tác trên biển vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)