Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 25/1 thông báo Triều Tiên phóng hai vật thể nghi là tên lửa hành trình ra vùng biển phía đông bán đảo.
Quân đội Hàn Quốc đang đánh giá vụ phóng để xác định bản chất của các quả đạn. Triều Tiên từng thử tên lửa hành trình vào tháng 9/2021, trong đó quả đạn di chuyển trong 7.580 giây theo quỹ đạo bay hình bầu dục và hình số 8 trên lãnh thổ Triều Tiên, trước khi bắn trúng mục tiêu cách 1.500 km.
Đây có thể là lần thử tên lửa thứ 5 của Triều Tiên trong tháng 1, trong lúc các cuộc đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc đình trệ. Triều Tiên phóng hai tên lửa siêu vượt âm ngày 5 và 11/1, tên lửa đạn đạo từ tàu hỏa ngày 14/1 và tên lửa đạn đạo chiến thuật ngày 18/1.
Lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc họp Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên ngày 19/1 cho biết có thể "tái khởi động các hoạt động tạm đình chỉ" do "chính sách thù địch cùng mối đe dọa quân sự của Mỹ đã chạm đến ranh giới nguy hiểm và không thể nhân nhượng". Thông điệp này của ông Kim được cho là ám chỉ khả năng Triều Tiên nối lại thử hạt nhân và tên lửa tầm xa.
Lee Sang-min, chuyên gia quân sự tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, nhận định các vụ thử tên lửa trong tháng 1 của Triều Tiên có thể nhằm gây ra căng thẳng địa chính trị, thúc đẩy chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra chiến lược mới đối với Bình Nhưỡng.
"Tên lửa hành trình chậm hơn tên lửa đạn đạo, do đó được coi là ít mang tính đe dọa hơn, song chúng có thể tấn công mục tiêu với độ chính xác cao. Đây là vũ khí mà Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển", chuyên gia Lee nói.
Các vụ phóng tên lửa hành trình của Triều Tiên không bị cấm theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Nga và Trung Quốc hối thúc Hội đồng Bảo an LHQ dỡ lệnh xuất khẩu tượng, hải sản và hàng dệt may của Triều Tiên, đồng thời nâng mức trần nhập khẩu xăng dầu cho nước này.
Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đàm phán nếu Mỹ và đồng minh từ bỏ "các chính sách thù địch" như lệnh trừng phạt hoặc tập trận chung gần nước này.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)