Quân đội Triều Tiên cuối tuần trước phóng thử một tên lửa hành trình từ bệ di động giống pháo phản lực, được cho có khả năng lẩn tránh radar và xuyên thủng lưới phòng không của đối phương. Tên lửa mới có hình dạng tương tự nhiều mẫu tên lửa hành trình tầm xa hiện đại trên thế giới.
"Dựa trên hình ảnh do hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố, tên lửa hành trình mới của nước này khá giống mẫu CJ-10 của Trung Quốc, được phát triển trên cơ sở Kh-55 của Liên Xô", đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, nói với VnExpress.
Theo ông Tâm, căn cứ vào thông số của CJ-10 và Kh-55, tên lửa mới của Triều Tiên nhiều khả năng là tên lửa tầm trung có bán kính chiến đấu lên đến 1.500 km và mang được đầu đạn 500 kg.
Ngoài ra, việc Triều Tiên gọi khí tài này là "tên lửa hành trình chiến lược" cho thấy nó có thể mang đầu đạn hạt nhân thu nhỏ, dù theo phân loại của Liên Hợp Quốc, tên lửa hành trình là vũ khí chiến thuật.
Chuyên gia nhận định nếu có tầm bắn tới 1.500 km, tên lửa hành trình mới của Triều Tiên có thể tấn công gần như toàn bộ mục tiêu trên lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản. Điều này khiến hai đồng minh then chốt của Mỹ ở Đông Bắc Á có lý do quan ngại nếu mẫu tên lửa mới có thể mang đầu đạn hạt nhân thu nhỏ.
"Tại khu vực Đông Bắc Á, chỉ có Triều Tiên đủ năng lực sản xuất đầu đạn hạt nhân. Tên lửa hành trình vừa được thử nghiệm sẽ trở thành một phương tiện mang đầu đạn hạt nhân mới, cho phép Triều Tiên tấn công diện rộng các đối thủ của mình", đại tá Tâm cho biết.
"Tuy nhiên, trong xu thế hòa hoãn trên thế giới hiện nay, việc trang bị vũ khí hiện đại chủ yếu nhằm mục đích răn đe, hoặc ít nhất là để phòng thủ".
Đại tá Tâm cho rằng bằng cách phóng thử tên lửa hành trình, Triều Tiên dường như tìm cách né nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc, vốn cấm Bình Nhưỡng phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa, nhưng vẫn tăng được sức ép trên bàn đàm phán với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc về vấn đề bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên với Mỹ cùng Hàn Quốc về lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh, do Hiệp định Đình chiến ký tháng 7/1953 chỉ là thỏa thuận ngừng bắn. Trong khi đó, Mỹ quyết không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trước khi Triều Tiên có những nhượng bộ rõ ràng và không thể đảo ngược trong chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo.
"Điều này buộc Triều Tiên phải luôn trong trạng thái sẵn sàng tự vệ. Đây là động cơ sâu xa nhất thúc đẩy Triều Tiên liên tục phát triển lĩnh vực công nghiệp quốc phòng với trình độ công nghệ cao", chuyên gia nhận xét.
"Nền công nghiệp quốc phòng của Triều Tiên đã phát triển rất sâu từ gần nửa thế kỷ qua, sau khi hai miền được LHQ công nhận là thành viên bình đẳng của tổ chức này".
Triều Tiên đã áp dụng thành công mô hình phòng thủ chiến lược của Nga với việc xây dựng đủ bộ ba vũ khí răn đe, đặc biệt là hệ thống tên lửa các cỡ với tầm bắn từ vài trăm đến gần 10.000 km, đại tá Tâm cho biết. Những tên lửa này đủ sức đe dọa các căn cứ Mỹ tại Hàn Quốc, Nhật Bản, quần đảo Midway, quần đảo Hawaii, bán đảo Alaska và các vùng bờ biển miền tây nước Mỹ.
"Với việc đưa tên lửa hành trình tầm xa mới vào biên chế bộ ba vũ khí chiến lược, Triều Tiên có thể nâng cao đáng kể năng lực răn đe của mình, trong khi Mỹ và các đồng minh không thể có cớ tăng trừng phạt", đại tá Tâm nói.
"Nếu Mỹ đề nghị Hội đồng Bảo an sửa đổi nghị quyết để trừng phạt Triều Tiên, các đồng minh nước này sẽ phản đối vì họ cũng sở hữu rất nhiều tên lửa hành trình các cỡ, các tầm. Phát triển và thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa chính là bước đi khôn ngoan của Triều Tiên".
Vụ thử tên lửa mới của Triều Tiên còn được coi như lời cảnh báo trước thềm hội đàm ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, chuyên gia nhận định. "Đây là lời nhắc nhở của Triều Tiên cho Mỹ rằng vị thế các bên ở Đông Bắc Á đã thay đổi, nên Washington cần đổi mới cách tiếp cận với Bình Nhưỡng", ông nói.
Vụ thử tên lửa hành trình mới của Triều Tiên cũng là thông điệp gửi tới Hàn Quốc rằng bất cứ ứng viên nào đắc cử tổng thống sau cuộc bầu cử ngày 9/3/2022, Bình Nhưỡng "vẫn giữ nguyên lập trường với những điều kiện tiên quyết để đàm phán" về vấn đề phi hạt nhân hóa.
Vụ thử tên lửa hành trình còn thể hiện năng lực tự cường của Triều Tiên trong bối cảnh nước này hứng chịu các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt và đứng trước nhiều thách thức vì Covid-19.
Trong lễ duyệt binh kỷ niệm 73 quốc khánh hôm 9/9, đội quân phòng chống Covid-19 của Triều Tiên xuất hiện trong trang phục bảo hộ màu cam, được thành lập trên cơ sở binh chủng quân y và hóa học. Chuyên gia nhận định đây là thông điệp Triều Tiên khẳng định họ quyết tâm ngăn chặn đại dịch xâm nhập lãnh thổ.
"Triều Tiên ngăn chặn thành công Covid-19 từ sớm và từ xa, tạo ra những điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế trong nước nói chung và công nghiệp quốc phòng nói riêng", đại tá Tâm cho biết.
"Triều Tiên nhiều thập kỷ qua chịu bao vây cấm vận ngặt nghèo, song vẫn đưa nền công nghiệp quốc phòng lên trình độ khá cao", chuyên gia này nói. "Sự giúp đỡ từ bên ngoài là quan trọng, song vấn đề quyết định nằm ở chỗ người Triều Tiên đứng vững trên đôi chân của mình để phát triển".
Nguyễn Tiến