Triều Tiên 4 lần thử tên lửa trong tháng một, bao gồm hai vụ phóng tên lửa siêu vượt âm ngày 5 và 11/1, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu hỏa ngày 14/1 và tên lửa chiến thuật hôm qua.
Giới chuyên gia nhận định các cuộc thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên trong những năm qua, trong đó có hai lần phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, cho thấy họ đạt thành tựu dù không sử dụng Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) của Mỹ.
"Không một bên nào đối đầu với Mỹ sử dụng GPS do họ lo ngại nguy cơ bị quân đội Mỹ làm gián đoạn hoặc can thiệp", Andrei Chang, tổng biên tập tờ Kanwa Defense Review có trụ sở tại Canada, cho biết. "Thay vào đó, họ có thể sử dụng hệ thống định vị toàn cầu Beidou của Trung Quốc hoặc GLONASS của Nga".
Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết hệ thống Beidou, hoạt động đầy đủ từ năm 2020, không hỗ trợ các nước khác phóng thử tên lửa. Nguồn tin khẳng định Triều Tiên sử dụng GLONASS cho các vụ thử tên lửa, dù phạm vi phủ sóng của hệ thống Nga không rộng bằng GPS.
"Các chuyên gia từ Bình Nhưỡng đánh giá hệ thống Beidou và GLONASS, họ quyết định rằng hệ thống của Nga phù hợp với vị trí địa lý của Triều Tiên với vĩ độ cao khi phóng tên lửa", nguồn tin cho biết.
"Ngoài ra có một bí mật mở rằng Triều Tiên hưởng lợi từ di sản của Liên Xô, bên chuyển giao công nghệ tên lửa tầm trung cho Bình Nhưỡng sau Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) ký với Mỹ".
INF được ký năm 1987, yêu cầu Mỹ và Liên Xô loại biên toàn bộ tên lửa hành trình và đạn đạo phóng từ mặt đất với tầm bắn 500-5.000 km. Mỹ năm 2019 rút khỏi hiệp ước INF. Các cơ quan tình báo Mỹ và phương Tây từ lâu tin rằng Triều Tiên phát triển tên lửa dựa trên cơ sở thiết kế và công nghệ từ những năm 1960.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)