Lãnh đạo Kim Jong-un hôm qua chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên để thảo luận, quyết định những công việc và chính sách quan trọng của đất nước.
"Chính sách thù địch cùng mối đe dọa quân sự của Mỹ đã chạm đến ranh giới nguy hiểm và không thể nhân nhượng nữa, bất chấp nỗ lực của Triều Tiên nhằm duy trì không khí giảm căng thẳng. Bộ Chính trị yêu cầu tái xem xét những biện pháp xây dựng lòng tin mà chúng ta tự áp dụng, nhanh chóng đánh giá vấn đề khởi động lại mọi hoạt động tạm đình chỉ", hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin sau cuộc họp.
Triều Tiên không tiến hành vụ thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nào kể từ khi Kim Jong-un tự áp đặt lệnh cấm năm 2018. Thông điệp của KCNA được coi là lời ám chỉ cho thấy biện pháp này có thể chấm dứt nếu tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng.
Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ chưa bình luận về thông tin.
Thông tin được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Bình Nhưỡng xác nhận vừa thử hai tên lửa dẫn đường chiến thuật. Đây là vụ thử tên lửa thứ 4 của Triều Tiên trong vòng hai tuần, bất chấp các lệnh cấm thử vũ khí và biện pháp trừng phạt từ Liên Hợp Quốc. Nước này từng phóng tên lửa mang đầu đạn siêu vượt âm vào ngày 5 và 11/1, sau đó thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu hỏa hôm 14/1.
Giới quan sát cho biết tần suất và thời điểm của các vụ thử tên lửa liên tiếp này đều bất thường. Triều Tiên có xu hướng phóng tên lửa để đánh dấu những sự kiện chính trị trong nước quan trọng, hoặc bày tỏ phản đối hoạt động quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Triều Tiên không có ngày lễ trọng đại nào trong những ngày đầu tháng 1, còn Mỹ và Hàn Quốc gần đây cũng không có hoạt động quân sự đáng chú ý. Ankit Panda, chuyên gia từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, đánh giá các vụ phóng tên lửa liên tiếp trong hai tuần qua là cách Triều Tiên phô diễn năng lực quân sự và duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Bình Nhưỡng bắt đầu nối lại các đợt phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn thế hệ mới từ năm 2019 trong lúc những cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa với Washington lâm vào bế tắc. Nước này năm qua đã phát triển và phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn với công nghệ ngày càng hiện đại hơn, đủ sức tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Hàn Quốc, thậm chí căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản.
Vũ Anh (Theo KCNA)