Triều Tiên thông báo phóng thử một loại tên lửa hành trình tầm xa mới hồi cuối tuần qua, gọi đây là vũ khí chiến lược có ý nghĩa quan trọng. Quả đạn di chuyển trong 7.580 giây theo quỹ đạo bay hình bầu dục và hình số 8 trên lãnh thổ và lãnh hải Triều Tiên, sau đó bắn trúng mục tiêu cách 1.500 km.
Theo hình ảnh vụ phóng được công bố trên tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, bệ phóng tên lửa được đặt trên khung gầm xe tải với 5 ống phóng giống hệ thống pháo phản lực khổng lồ được Bình Nhưỡng công bố năm ngoái. Ảnh chụp trên không cho thấy quả đạn có đầu tròn, hình trụ dài với hai cánh nâng chính và ba cánh lái ở đuôi, tương đồng với nhiều mẫu tên lửa hành trình tầm xa trên thế giới.
"Đây là tên lửa hành trình đầu tiên của Triều Tiên được mô tả là vũ khí chiến lược. Thuật ngữ này thường được sử dụng cho các hệ thống mang được đầu đạn hạt nhân", Ankit Panda, chuyên gia từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Chưa rõ Bình Nhưỡng đã làm chủ được công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp cho tên lửa hành trình hay chưa, nhưng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đầu năm nay tuyên bố phát triển đầu đạn ngày càng nhỏ là ưu tiên hàng đầu.
"Tên lửa hành trình tầm xa mang được đầu đạn hạt nhân sẽ gây ra nhiều khó khăn, buộc đối phương suy nghĩ rất kỹ về vị trí triển khai radar phòng thủ và đầu tư nhiều hơn vào năng lực đối phó tên lửa hành trình", Panda nói, cho rằng loại tên lửa mới của Triều Tiên là một phần trong chiến lược "xuyên thủng lá chắn tên lửa" được nước này theo đuổi những năm gần đây.
"Tên lửa hành trình đối đất tầm xa là vũ khí tăng cường đáng kể năng lực tiến công cho Triều Tiên. Đây là hệ thống được thiết kế để bay dưới tầm theo dõi của các hệ thống phòng thủ tên lửa, thậm chí là bay vòng qua chúng để tấn công mục tiêu", Jeffrey Lewis, chuyên gia tại Trung tâm James Martin về Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí ở Mỹ, nêu quan điểm.
Vipin Narang, nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Mỹ, nhận định tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân là yếu tố quan trọng để vô hiệu hóa lưới phòng không đối phương, thêm rằng loại vũ khí này rất phù hợp với những mục tiêu trong phạm vi 1.600 km.
"Chúng được trang bị động cơ phản lực lấy không khí từ môi trường bên ngoài nên có thể bay thấp và cơ động phức tạp. Quỹ đạo hình bầu dục và số 8 chính là cách để kiểm tra tầm bắn của tên lửa mà không vượt ra ngoài không phận Triều Tiên", ông cho hay.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng tỏ ý nghi vấn và cảnh báo còn nhiều yếu tố chưa được làm rõ về tính năng loại tên lửa hành trình mới của Triều Tiên.
"Đây là bước phát triển đáng kể của Triều Tiên, nhưng cần tránh gán những tính năng của nhiều loại tên lửa hành trình đối đất hiện nay cho nó. Có thể loại tên lửa này chỉ dùng các điểm đánh dấu bằng tín hiệu định vị vệ tinh, thay vì hệ thống dẫn đường bám địa hình hiện đại. Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể về tầm bắn và độ chính xác", Joseph Dempsey, nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho hay.
Kim Jong-un chưa giám sát cuộc thử tên lửa nào từ tháng 3/2020.
"Các vụ thử tên lửa giờ đã diễn ra thường xuyên mà không có sự giám sát hay liên quan trực tiếp của ông ấy, dù tôi chắc chắn Kim đã trực tiếp phê duyệt hoạt động này. Đây có thể là nỗ lực nhằm biến những sự kiện này thành hoạt động bình thường. Không có lãnh đạo cường quốc hạt nhân nào trực tiếp theo dõi từng vụ thử vũ khí mới trong thời đại này", Panda nói.
Vũ Anh (Theo Reuters)