(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
"Đề xuất Giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc" thật sự là cơn gió mát lành trong những ngày hè nóng nực cho ngành Giáo dục, cho Giáo dục mầm non (GDMN) và cho chính những giáo viên mầm non (GVMN).
Tôi có người bạn hiện là giảng viên của một trường đào tạo giáo viên mầm non. Vợ chồng chị có hai cháu, cháu lớn học lớp 8 của một trường phổ thông công lập có tiếng của Hà Nội, cháu nhỏ học lớp 5. Cũng như các phụ huynh có con đang đi học khác, việc nuôi dạy, giáo dục các cháu trong gia đình luôn rất vất vả. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng việc này trong gia đình anh chị có vẻ nhẹ nhàng, đơn giản hơn nhiều gia đình khác. Chị chia sẻ về cách dạy con thế này:
Giáo dục dựa trên ba trụ cột chính: gia đình, nhà trường, xã hội. Tuy nhiên, trong giai đoạn xã hội và nền tảng giáo dục đang có nhiều bất cập, vai trò của gia đình sẽ trở nên quan trọng gấp bội. Thậm chí, gia đình đóng vai trò quan trọng nhất trong việc định hướng con người khi nền giáo dục bị khủng hoảng. Ý thức được điều này nên ngay từ khi các cháu còn nhỏ, vợ chồng chị đã rèn cho cháu tính tự chủ thông qua những việc như quét nhà, nhặt rau, vệ sinh cá nhân; chơi với bạn như thế nào; rèn tính tự học, ham học qua việc đọc truyện cho con, khuyến khích con kể chuyện, nghe nhạc; lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch...
Đặc biệt, vợ chồng chị tuyệt đối tôn trọng con, nhiều lúc coi con là bạn, dù đúng dù sai con hãy tự làm việc gì đó mà con thấy là đúng, tuyệt đối không phải nhận những lời trách mắng từ bố mẹ; ít khi họ nói với con "phải làm thế này" mà thường thay bằng từ "nên làm thế này" khi thấy con sai. Với vợ chồng chị, "trẻ em như búp trên cành; biết ăn, biết ngủ, biết...chơi là được rồi" – hoàn toàn không đòi hỏi gì cao siêu ở đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn.
Quan điểm này càng được củng cố khi vợ chồng chị có một người bạn du học Pháp về chia sẻ: ở Pháp, thời học phổ thông, học sinh học như chơi, rất thoải mái; nhưng khi học đại học hoặc trên đại học thì học viên phải học ra học, thậm chí "học chết bỏ". Chúng ta thì lại đi ngược xu thế, học sinh chuẩn bị vào lớp một có khi lại vất vả hơn sinh viên đại học – thật là vô lý.
Với mong muốn các cháu không bị đánh cắp mất tuổi thơ tuyệt vời của mình, được là chính mình, được phát triển để thành "người cháu có thể trở thành", vợ chồng chị cố gắng cho các cháu vui chơi thỏa thích ngay từ khi còn nhỏ. Khi các cháu đến tuổi đi học thì, anh chị cố gắng không bắt ép cháu học quá nhiều. Ngoài thời gian học, anh chị thu xếp để cháu học đàn, học bơi... "Nhìn vào ánh mắt con, chúng tôi thấy rằng con mình đã có được những ngày 'học như là chơi'; luôn được là chính mình; những ngày tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng", chị nói.
Khi các cháu được giáo dục như vậy vô hình trung đã có tính tự chủ rất tốt: tự giải quyết vấn đề từ rất sớm so với các bạn cùng trang lứa. Còn chuyện học hành, các cháu đã tự học rất tốt, tự làm bài tập ở nhà khi thầy cô giao bài; khi gặp vấn đề gì khó khăn về Toán, Văn... các cháu tự tìm hiểu từ nhiều nguồn như thầy cô, sách báo, internet để tìm ra vấn đề. Điều quan trọng ở đây là phụ huynh cần phải hướng cho con em mình có thể tự tìm hiểu, tự nghiên cứu để giải quyết vấn đề.
Việc học hành của các cháu ít khi anh chị phải nhắc vì chúng có tính tự giác rất cao. Dù không đi học thêm, phần lớn là tự học và học trực tuyến nhưng năm vừa rồi cháu lớn đã được thầy cô chọn vào đội tuyển Toán của trường điểm (đội tuyển Toán chỉ có 7 học sinh trong tổng số hơn 1000 học sinh của khối).
Câu chuyện đó làm tôi suy nghĩ nhiều về cách giáo dục cho con cái của các bậc phụ huynh. Hóa ra, để con là người có đạo đức, học tốt cũng không đến mức là quá khó khăn lắm, hoàn toàn có thể làm được. Ngoài chuyện chăm sóc con cái hợp lý ngay từ lúc còn trong bụng mẹ thì mầm non – là giai đoạn vàng đặt nền móng cho sự phát triển của con người sau này của trẻ.
Chăm sóc, giáo dục con tốt, tức đứa trẻ có nền tảng tốt thì khả năng chúng có thể thành công, có cuộc sống hạnh phúc sau này là rất khả quan. Nếu các cháu may mắn mà có bố mẹ là người hiểu biết thì thường sẽ nhận được kinh nghiệm và kiến thức tích cực ngay từ nhỏ. Còn nếu các cháu không có bố mẹ là người hiểu biết, hoặc bố mẹ bận rộn thì lúc này các thầy cô giáo mầm non sẽ có vai trò cực kỳ quan trọng để giúp trẻ phát triển và hình thành nhân cách của mình.
Nếu trẻ em được giáo dục một cách khoa học ngay từ đầu thì các cháu sẽ có nền tảng vững chắc để có thể học tập và hình thành nhân cách một cách tốt nhất có thể, sau này lớn lên có thể tự giải quyết mọi vấn đề gặp phải; sẽ có thể trở thành con người mà mình muốn. Đầu tiên là khi đi học, các cháu sẽ có thể tự học rất tốt; dù học tiểu học, THCS, THPT các cháu không đi học thêm nhưng vẫn học tốt do khả năng tự học, tự giải quyết vấn đề đã được hình thành từ thời học mầm non.
>> Những giáo viên cầm bằng Đại học, hưởng lương Trung cấp
Dưới góc nhìn của một giảng viên sư phạm mầm non, chị bạn tôi chia sẻ về công việc của mình: Chủ trương của ngành Giáo dục nước nhà là rất coi trọng giáo dục mầm non. Tuy nhiên, điều này đôi khi vẫn chỉ là chủ trương trên giấy. Bằng chứng là giáo dục mầm non vẫn chỉ được coi là kém nhất, thậm chí bị"coi thường" khi so với các bậc học khác, điều rất đáng lo ngại là điều này đã ăn sâu vào trong tiềm thức. Nhiều khi nhận là sinh viên hay giáo viên mầm non, nhiều người lai thấy ngại thay vì tự hào.
Bên cạnh đó, chất lượng sinh viên ngành mầm non còn yếu; các học sinh giỏi thì thường vào Kinh tế, Ngoại thương... chỉ đến khi "chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm", mà số "kém nhất" mới vào hệ mầm non. Lẽ ra, giáo dục nói chung, giáo dục mầm non nói riêng nên là ngành hot nhất. Đầu vào kém thì làm sao có thể có những sản phẩm (giáo viên) giỏi được? Nhưng như thế vẫn chưa tồi tệ bằng việc còn nhiều GVMN chỉ là "tay ngang", hoàn toàn không có nghiệp vụ.
Hậu quả có thể nhìn thấy ngay của việc không coi trọng GDMN là những vụ bạo hành trẻ. Lỗi lầm thường rơi vào những cô giáo không có nghiệp vụ, tuy nhiên vẫn có những cô giáo mầm non có nghiệp vụ thực sự (đã tốt nghiệp Sư phạm mầm non) nhưng vẫn mắc lỗi. Điều này là do chính sách chưa coi trọng GDMN (vì chưa coi trọng nên không chọn được những GVMN có phẩm chất tốt).
Trong một xã hội hiếu học như xã hội Việt Nam, yêu cầu với ngành Giáo dục sẽ cao hơn, người giáo viên, trong đó có GVMN, cần phải có tư chất và phẩm chất đạo đức tốt để có thể hiểu sâu chuyên môn và nhiệm vụ của mình. GVMN cần phải đọc nhiều, hiểu rộng nhiều lĩnh vực trong cuộc sống để áp dụng vào trong công việc dạy trẻ. Bởi vì chỉ khi có sự hiểu biết sâu rộng và có tư cách đạo đức tốt thì người GVMN mới có thể truyền đạt kiến thức một cách tốt nhất hoặc khơi gợi thúc đẩy tiềm năng của trẻ. Thay vì giải quyết vấn đề cho trẻ, người GVMN có tư chất sẽ biết khơi gợi để trẻ có thể tự giải quyết vấn đề; thay vì nhồi nhét kiến thức. Người GVMN có tư chất sẽ hiểu "thầy dạy chữ thì nhiều, thầy dạy người thì ít" để truyền đạt cho các cháu những điều bình dị như tình yêu thương, kỹ năng sinh tồn... Những điều này sẽ đặt nền móng vững chắc để trẻ bước vào tương lai.
Những ngày này, với tư cách là một phụ huynh, và một Giảng viên của một trường đào tạo GVMN, chị bạn tôi rất vui trước đề xuất coi "GVMN là một nghề nặng nhọc", tuy nhiên chị cũng mong toàn xã hội cần coi trọng đặc biệt hơn nữa tới GDMN vì tầm quan trọng của nó. Dĩ nhiên là để thay đổi một tư tưởng đã ăn sâu trong tiềm thức là rất khó khăn nhưng không có nghĩa là không làm và không thể làm, vì điều này là rất quan trọng cho sự phát triển nền giáo dục nước nhà. Từ sự những sự quan tâm này sẽ có những giải pháp hợp lý, bắt đầu bằng suy nghĩ, sau đó sẽ là hành động, chẳng hạn như: tuyển những sinh viên giỏi; đãi ngộ cao nhất đối với GVMN... Nếu được như vậy, đây sẽ là điều may mắn cho GDMN nói riêng, và nền giáo dục Việt Nam nói chung.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Phạm Xuân Anh