Một đôi vợ chồng ở làng tôi vừa sinh được một cậu con trai. Đây là đứa con thứ tư của họ, trước đó họ đã có ba con gái. Ngày đứa con thứ tư chào đời, họ nhận được rất nhiều lời chúc mừng của người xung quanh theo kiểu "thế là đã có thằng cu", "cuối cùng cũng có thằng con trai nối dõi tông đường"...
Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đang ngày một tăng cao. Theo thống kê, đến năm 2034 ,Việt Nam có khoảng 1,5 triệu nam thanh niên không lấy được vợ. Mà không phải đến tận năm 2034, hiện nay tình trạng thừa nam, thiếu nữ đã và xảy ra khá khốc liệt ở nhiều nơi trên đất nước.
Làng tôi ở Bắc Ninh có gần 700 nóc nhà với gần 4.000 nhân khẩu. Như nhiều làng quê khác ở vùng quê Kinh Bắc, làng tôi cũng có cùng một điều "không bình thường". Trong làng có tới gần trăm thanh niên ở độ tuổi lấy vợ mà vẫn ở không. Những thanh niên này tầm 30–40 tuổi, đa số đều chịu khó làm ăn, có người gia đình khá giả, nhưng vẫn không lấy được vợ. Nếu tính cả những người đã ly hôn vợ, góa vợ mà không lấy được vợ mới thì con số nam giới ế vợ ở quê tôi lên đến cả trăm người.
Nguyên nhân đã được nhiều người đã chỉ ra, như: có sự chênh lệch lớn giữa số lượng nam - nữ thanh niên (nam nhiều hơn nữ); nữ giới ngại kết hôn do không muốn làm dâu (họ có thể chấp nhận mẹ đơn thân chứ không chấp nhận lấy chồng để phụ thuộc); nhiều nữ giới đi học, đi làm hay đi xuất khẩu lao động rồi có nhiều sự lựa chọn hơn (chẳng hạn lấy chồng ngoại quốc)....
Nhìn từ làng tôi, mới là ở thời điểm này chứ chưa nói đến tận năm 2034, tình trạng thừa nam, thiếu nữ đã nghiêm trọng như vậy, thử hỏi đến năm 2034 thì tình trạng này còn tới mức nào? Hậu quả sẽ nặng nề đến mức nào?
Để tránh những hậu quả nặng nề đó, về chính sách vĩ mô, chúng ta cần nhận thấy rằng đất nước nào muốn phát triển nhanh và bền vững thì yếu tố hài hòa không thể bỏ qua: hài hòa với thiên nhiên, hài hòa trong quan hệ giữa người với người, giữa nam và nữ, cần phải coi trọng và phát huy hết khả năng của mọi cá nhân của đất nước mình không phân biệt nam hay nữ.
Các nước phát triển hàng đầu thế giới như Thụy Sỹ, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan là minh chứng cho điều đó. Ở các nước này, sự bình đẳng giữa nam và nữ là hiển nhiên, tỷ lệ nam và nữ trong quốc hội gần như là 50/50. Để bàn về chính sách vĩ mô của vấn đề này, trước hết tôi xin kể câu chuyện của một gia đình gần nhà tôi.
Gia đình này khá giả nhưng nhà chỉ có hai cô con gái. Trớ trêu ở chỗ hai cô này lần lượt được gả vào hai gia đình kinh tế rất khó khăn. Đặc biệt là hai cô phải làm dâu rất xa. Gia đình và bản thân các cô đã thuyết phục hai người con rể về ở rể nhưng họ nhất quyết không đồng ý. Thế là hai cô đành phải về làm dâu ở hai gia đình có điều kiện kinh tế rất khó khăn, xa trung tâm..., trong khi nhà đẻ có điều kiện rất tốt cả về kinh tế, xã hội.
>> Ám ảnh 'săn con trai nối dõi tông đường'
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao ở thời đại mới chúng ta vẫn còn đặt nặng tư tưởng lấy chồng phải theo chồng? Thay vào đó, khi xây dựng gia đình, tại sao người chồng không thể theo vợ? Tất cả là do sự thỏa thuận giữa hai vợ chồng. Đặt ra điều này nghe có vẻ rất ngược đời vì quan niệm gái theo chồng đã ăn sâu vào tiềm thức phần đông người Việt, thậm chí còn được luật hóa. Nhưng nếu suy xét một cách toàn diện, điều đó có đảm bảo bình đẳng giới?
Về phía mỗi người công dân, chúng ta cần nhận thức rằng, con cái được sinh ra là do ý muốn của cha mẹ, cha mẹ cho con sự sống nhưng cũng cần phải cho con cuộc sống đàng hoàng trong khả năng của mình, trừ những nguyên nhân khách quan như thiên tai, tai nạn. Con cái là lộc trời cho vậy tại sao không để nó đến một cách tự nhiên, con trai hay con gái đến với chúng ta cũng đều là điều hạnh phúc.
Lạ một điều là với tình trạng thừa nam thiếu nữ như hiện nay và trong tương lai, rất nhiều bố mẹ đã nhìn ra vấn đề, nhưng tại sao vẫn cố sinh con trai bằng được, dù rất có thể họ sẽ đưa con mình vào một tình trạng khốn khổ sau này do ế vợ? Chưa kể, nếu gia đình không có điều kiện thì con cái sinh ra sẽ rất vất vả. Như đôi vợ chồng mới sinh con thứ tư gần nhà tôi, chồng làm thợ hàn, vợ làm phụ hồ, bởi vậy khi có sức khỏe họ mới kiếm được tiền lo cho con, còn nếu ốm đau, thậm chí là rủi ro do công việc nguy hiểm thì con cái họ sẽ như thế nào?
Ngoài ra, người Việt cũng cần bỏ những câu nói, câu đùa vô duyên kiểu như "không sinh con trai là không biết đẻ, cho ngồi mâm dưới...". Với những chính sách hợp lý của nhà nước, hành động thiết thực của mỗi công dân như vậy thì việc mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam sẽ hoàn toàn có thể giải quyết được. Khi có bình đẳng giới thực sự, sẽ không còn những con số quá sốc nêu trên. Đặc biệt khi Việt Nam thực sự có bình đẳng giới, việc người dân Việt có cuộc sống hạnh phúc, hài hòa như người dân Đan Mạch, Na Uy... là hoàn toàn có cơ sở.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.