Theo Tổng cục thống kê, hiện nay tổng tỷ suất sinh (số trẻ sinh ra trên tổng số phụ nữ trong độ tuổi sinh nở) của TP HCM là 1,39 con mỗi phụ nữ, mức rất thấp so với mức sinh thay thế trên toàn quốc là 2,09 con. Tỷ lệ sinh của Việt Nam năm 2022 là 2.01 con, thấp nhất kể từ 2018. Có nhiều yếu tố tác động đến mức sinh thấp như chất lượng môi trường sống, áp lực kinh tế, tâm lý và sức khỏe của các cặp vợ chồng, sự thay đổi về quan điểm kết hôn và sinh con trong thanh niên.
Chia sẻ về lý do không muốn sinh thêm con, độc giả Phạm Thị Hoài Thư bình luận: "Khó khăn tốn kém nhất là mấy năm đầu đời của đứa trẻ, nhưng tôi chưa thấy có chính sách hỗ trợ phù hợp. Tính sơ sơ, chỉ hai năm chăm con đầu đời, hàng loạt các khoản chi phí đắt đỏ mỗi tháng như:
- Bỉm loại bình dân (ba bịch): 900.000 đồng.
- Sữa loại bình dân (bốn hộp): 1,2 triệu đồng.
- Vaccine (những mũi tiêm không có trong chương trình tiêm chủng mở rộng): 500.000 đến cả triệu đồng mỗi mũi, nhiều loại phải tiêm nhắc lại 2-4 lần.
- Tiền thuê người trông trẻ, gửi nhà trẻ bèo nhất cũng 1 triệu đồng mỗi tháng với trường công lập (học phí được điều chỉnh giảm nhưng chẳng thấm vào đâu vì đắt đỏ chủ yếu ở tiền ăn trên lớp): 700.000 - 900.000 đồng.
- Chưa kể trẻ con bây giờ hay ốm đau, bệnh tật, mỗi lần đi viện như vậy là tốn tiền triệu là chuyện bình thường.
Tính ra, tiền nuôi dưỡng một đứa trẻ thời nay rẻ nhất cũng vào khoảng 3-5 triệu đồng một tháng. Đấy là tôi chỉ các chế độ chăm sóc ở mức cơ bản, quần áo đi xin... Chứ nếu chăm con theo kiểu khoa học khuyến nghị là hàng ngày phải uống vitamin D3, bổ sung DHA, tăng đề kháng, sử dụng đồ hữu cơ (sữa, cá, thịt, gạo, trứng organic... thì có lẽ cái gì cũng đắt gấp đôi trở lên).
Với chi phí nuôi con tốn kém như vậy, thử hỏi ai dám đẻ thêm? Muốn tăng tỷ lệ sinh ở nước ta hiện nay, các nhà chính sách cần đề xuất giảm thuế tiêu thụ các mặt hàng trên, giảm chi phí nuôi một đứa trẻ, may ra người trẻ mới muốn đẻ hai con trở lên".
Đồng quan điểm, bạn đọc Bichlieutbh kể về trường hợp của mình: "Tôi có thu nhập bình quân 50 triệu đồng một tháng, chưa tính thu nhập của chồng, ấy vậy mà đến giờ còn chưa muốn sinh thêm con. Vì nội ngoại của tôi không có ai trông con giúp, nếu đi làm, tôi phải giao con cho người trông trẻ cả ngày, nhưng thấy rất tội con. Các gia đình khác thu nhập thấp hơn còn tệ nữa.
Vấn đề ở đây không phải chỉ sinh con ra và nuôi ăn, nuôi mặc là xong. Cha mẹ cũng phải dành thời gian cho con, chơi đùa, dạy con các kỹ năng theo từng giai đoạn... Do đó, áp lực của người làm cha, mẹ rất lớn nếu không có người thân phụ hỗ trợ và cả những áp lực về mặt tài chính khi chi phí ngày càng đắt đỏ. Nhiều phụ nữ bị trầm cảm sau sinh cũng vì những áp lực này. Ở thành phố, ngày càng nhiều đứa trẻ 3-4 tuổi chưa biết nói, vì suốt ngày chỉ tiếp xúc với TV, điện thoại di động do cha mẹ bận đi làm kiếm tiền".
>> Sai lầm khi phụ nữ hy sinh sự nghiệp để chăm con
Thu nhập bình quân của TP.HCM năm 2021 là 6 triệu đồng một tháng, trong khi theo iPrice, một người có mức sống ổn định ở TP HCM cần tới 18,8 triệu đồng. Cũng theo Tổng cục thống kê, chi phí cho một thành viên trong gia đình đi học năm 2020 khoảng 7 triệu đồng, tăng 7% so với năm 2018 và 57,7% so với năm 2012.
Làm gì để cải thiện tình trạng mức sinh thấp như hiện tại, độc giả Nhi Hoang nêu quan điểm: "Nên xem lại và đồng bộ các chính sách.
Bảo hiểm xã hội hiện chỉ được các công ty đóng dựa vào mức lương tối thiểu vùng, nhưng thuế TNCN lại dựa trên tổng lương. Mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng một người ở TP HCM cũng quá thấp, nhất là khi chi phí nuôi dưỡng, giáo dục, y tế đối với một đứa trẻ cao như hiện tại.
Ngoài ra, chế độ nghỉ thai sản chỉ có sáu tháng, nhưng rất ít trường công nhận giữ trẻ từ sáu tháng tuổi có hộ khẩu thành phố, trường tư chỉ nhận bé từ 12 tháng tuổi và học phí vô cùng đắt. Sinh con mà không lo được cho con đầy đủ nên nhiều người thà rằng không sinh. Cuộc sống vì thế ngày càng bế tắc, dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường".
"Cần có những chính sách cụ thể và mạnh tay, nhằm tái cấu trúc lại vấn đề an sinh cho phụ nữ sinh đẻ như: miễn hoặc giảm học phí cho trẻ em, tăng lương và chế độ thai sản cho sản phụ, kiềm chế giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho bé như: sữa, quần áo, sách vở... Với các gia đình có từ hai con, nên được hưởng các gói vay ưu đãi như tiêu dùng, mua nhà...
Nói chung, chúng ta cần có một bước đột phá lớn mới hy vọng kích thích được nhu cầu sinh đẻ ở các thành phố lớn. Còn hiện nay, chi phí nuôi dạy cho các bé quá cao, nhất là khoản học phí (các trường đào tạo ngoại ngữ có học phí gấp 2-3 lần lương của cha mẹ), thử hỏi ai dám đẻ thêm nếu thấy con mình đẻ ra thua thiệt như vậy?", bạn đọc Htrung kết lại.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.