Trà xanh là thức uống phổ biến vì mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, trong đó có khả năng hỗ trợ chống lại các bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh tim. Uống một lượng vừa phải trà xanh thường xuyên cũng rất hữu ích cho những người bệnh thận. Các chiết xuất trà xanh được chứng minh là có thể giải quyết các vấn đề về thận và kéo dài tuổi thọ bằng cách bảo vệ thận.
Cụ thể, polyphenol có trong trà xanh là nhóm hợp chất chống oxy hóa cao giúp ngăn ngừa chứng tăng axit uric máu, nguyên nhân gây ra bệnh thận mạn tính. ECG, một polyphenol trong trà xanh, có khả năng ngăn ngừa tổn thương thận. ECG cũng làm giảm viêm và chết tế bào, được coi là một liệu pháp chống ung thư mạnh mẽ. Trà xanh còn ngăn ngừa stress oxy hóa gây ra trong quá trình nhiễm sốt rét dẫn đến suy giảm chức năng thận, nguyên nhân phổ biến dẫn đến tử vong ở bệnh nhân sốt rét.
Trà xanh đã được chứng minh là có hiệu quả đối với bệnh sỏi thận. EGCG, một polyphenol tự nhiên được tìm thấy nhiều nhất trong trà xanh, có tác dụng ngăn ngừa hình thành sỏi thận. Với những người đã có sỏi trong thận, việc sử dụng trà xanh cũng giúp loại bỏ sỏi. Chiết xuất trà xanh tự liên kết với canxi oxalat, ngăn chúng kết tụ với nhau trong thận để tạo thành sỏi, đồng thời cũng làm cho sỏi phẳng hơn, không cứng và dễ vỡ.
Bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo uống trà xanh đã khử caffein thường xuyên trong 6 tháng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, giúp giảm viêm và giảm stress oxy hóa. Trà xanh cũng cho thấy tác động tích cực đối với những bệnh nhân đang trải qua quá trình lọc máu do xơ vữa động mạch. Trà xanh còn giúp cải thiện một số vấn đề liên quan đến bệnh thận bao gồm nitơ ure trong máu, axit uric, bài tiết glucose.
Tuy nhiên, trà xanh có thể không an toàn nếu uống 7-8 cốc mỗi ngày. Việc uống trà xanh với lượng lớn có thể phá vỡ chức năng thận do làm giảm các enzym chống oxy hóa và tạo ra các protein sốc nhiệt. Điều này xảy ra do độc tính của polyphenol có trong trà xanh.
Những người bị huyết áp cao cũng nên chú ý tới lượng trà xanh nạp vào cơ thể do nó có chứa caffein, dễ làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận hay làm giảm chức năng thận, dẫn đến huyết áp tăng đột ngột. Ngoài ra, sử dụng trà xanh quá nhiều cũng làm tăng hàm lượng caffeine trong cơ thể, dẫn đến mất ngủ, cơ thể bị mất nước.
Uống trà xanh quá nhiều còn có thể làm giảm sự hấp thu chất sắt trong máu. Vì vậy, bạn cần uống trà xanh đúng cách để không gây tác dụng phụ như: uống trà mới pha, không nên cho đường vào trà, tránh uống trà đặc, không uống trà với thuốc, mỗi ngày chỉ nên uống 1-2 tách trà... hay không uống trà khi đói.
Nếu bạn đang gặp bất kỳ vấn đề nào về thận hoặc liên quan tới sức khỏe, cần tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng trước khi sử dụng trà.
Như Ý (Theo Lybrate)