"Tôi ủng hộ việc cách ly F1 tại nhà. Chúng ta có thể cho phép các F1 đăng ký tự nguyện cách lý tại nhà với những người đủ điều kiện và ký cam kết. Nếu vi phạm có thể phạt nặng. Bên cạnh đó, áp dụng công nghệ với những người này như vòng giám sát điện tử, cả gia đình đều được yêu cầu cài đặt Bluezone, báo cáo các thông số lên bộ phận giám sát, dán thông báo trước nhà để cộng đồng xung quanh giám sát...
Chúng ta cần ý thức nhưng cũng không loại trừ khả năng chủ quan của họ. Muốn cách lý tại nhà hiệu quả, chúng ta hãy chấp nhận không dị nghị với các trường hợp F1 là hàng xóm. Cần tuyên truyền mạnh mẽ và làm nghiêm khắc để xóa bỏ tư tưởng này. Đây là điều kiện bắt buộc phải cam kết trước tiên.
Với những người đăng ký cách ly tại nhà nhưng không đủ điều kiện thì cần cho đi cách ly tập trung. Với những người không đăng ký tại nhà hoặc tự nguyện cách ly tập trung thì cho cách ly tập trung. Xin nhắc lại, chúng ta phải tuyệt đối nghiêm khắc, không cả nể".
Đó là quan điểm của độc giả Vina gama xung quanh việc TP HCM nghiên cứu thí điểm cách ly F1 tại nhà thơ hướng dẫn của Bộ y tế. Vấn đề cách ly F1 tại nhà đã được Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn gợi ý TP HCM nhiều lần để giảm tải cho các khu cách ly tập trung. Ngày 27/6, Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà ở TP HCM để thành phố xem xét, áp dụng.
Đồng quan điểm, độc giả Quang Hoàng nhận định: "Cách ly tại nhà, ngoài việc nhà, phòng cách ly đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu của Bộ Y tế, người cách ly cũng phải tải ứng dụng Bluezone, ứng dụng VHD. Bên cạnh đó, cần có hình thức nâng cao sự cam kết cũng như tăng tính giám sát chủ động cho Cơ quan quản lý người cách ly tại nhà: như vòng định vị.
Có ý kiến cho rằng việc cách ly tại nhà F1 không khả thi, vì sẽ phát sinh trường hợp không quản lý được giống như cách ly tập trung.
Còn về việc lo lắng khi triển khai là đương nhiên, nên cái cần làm là chúng ta phải có quy trình và quy định kiểm soát, cũng như các ứng dụng công nghệ để giảm tải sức người, hướng đến đạt được mục tiêu cuối cùng là TP HCM vượt qua đợt dịch lần này, trở lại giai đoạn bình thường mới như trước".
Cũng ủng hộ biện pháp cách ly F1 tại nhà, bạn đọc Nguyễn Minh Quang cho rằng: "Việc cách ly F1 tại nhà có ba cái lợi, đó là:
1. Tâm lý người cách ly thoải mái, có thể tham gia điều hành công việc của gia đình (giãn cách với các thành viên đủ xa và an toàn).
2. Giảm tải cho xã hội.
3. Không lây nhiễm chéo.
Nhưng nếu không cẩn trọng do lơ là, chủ quan, sơ suất trong trường hợp F1 trở thành F0, lây cho người thân và cho cộng đồng thì sẽ làm tình hình trầm trọng hơn".
Với 3.218 ca nhiễm tính đến tối 27/6, gần 40.000 người đang cách ly tại TP HCM, trong đó khoảng 12.000 người cách ly tập trung, gần 28.000 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà ở TP HCM, được Bộ Y tế ban hành ngày 27/6, nêu rõ do chủng virus mới lây nhiễm nhanh trên diện rộng, số lượng người tiếp xúc gần (F1) rất lớn, gây quá tải cho khu cách ly tập trung. Hướng dẫn này nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung.
>> Giám sát F1 cách ly tại nhà bằng camera
"Nói thì dễ, nhưng thực hiện có chuẩn không mới quan trọng. Trong 28 ngày ấy, không một ai trong gia đình được tiếp xúc với F1 trong phạm vi 2,5-3 mét và những người này cũng không được tiếp xúc với bất kỳ người nào khác. Cách ly thế này chỉ hợp lý khi F1 không trở thành F0, còn nếu họ trở thành F0 thì 99,99% là lây lan ra cộng đồng, và vì một lý do nào đó một người trong gia đình bị nhiễm mà vẫn tiếp xúc với bên ngoài và lây cho người khác. Lúc đó, mọi chuyện sẽ rất phức tạp.
Vì vậy, tôi đề nghị nghiên cứu cách ly các F1 tại các cơ sở y tế xã, phường dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương, tổ chức cho họ tự sinh hoạt nấu nướng trong khuôn viên riêng, hoặc nếu các F1 cùng cơ quan thì cách ly họ tại cơ quan nhà máy, họ vẫn có thể làm việc bình thường miễn không tiếp xúc gần với người khác và có thể tự phục vụ trong khuôn viên riêng biệt", bạn đọc Nguyễn Minh Quang nói thêm.
Trong khi đó, độc giả Nguyễn thị bích tuyền lại bày tỏ băn khoăn về hiệu quả của biện pháp cách ly F1 tại nhà: "Cái khó nhất của việc cách ly F1 tại nhà là không gian riêng cho người bị cách ly. Cái khó thứ hai là dành cho nhân viên đến lấy mẫu xét nghiệm. Một người F1 hiện nay cách ly tập trung sẽ được lấy mẫu năm lần, giờ cách ly tại nhà 28 ngày sẽ phải lấy mẫu sáu lần. Chưa kể khu vực cách ly có khi ở tầng 5, tầng 6. Nhân viên lấy mẫu phải mặc bảo hộ, đeo khẩu trang, leo từ dưới đất lên chỉ để lấy cho một, hai người. Mỗi nhà xong thì phải thay đồ bảo hộ, cứ vậy vài chục người một ngày thì không chịu nổi".
Bạn đọc Anh Tu Nguyen lại nghi ngại về khả năng giám sát F1 khi cách ly tại nhà: "Thử hỏi có bao nhiêu gia đình đủ điều kiện làm việc này và ai giám sát việc không tiếp xúc giữa người cách ly và người trong gia đình? Rồi lỡ người thân đó đi ra đường và lây bệnh cho người khác, ai chịu trách nhiệm? Thay vào đó, nếu F1 chọn cách ly ở nhà thì toàn bộ người trong gia đình coi như F2, mọi chi phí xét nghiệm, tầm soát cả gia đình phải chịu. Phải làm vậy nếu không là bịt người này sẽ hở người khác".
>> Giám sát người cách ly tại nhà
Theo hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà ở TP HCM của Bộ Y tế, TP HCM cho phép F1 cách ly tại nhà nếu họ có nhà ở riêng; trước nhà treo biển cảnh báo; nhà có phòng cách ly riêng, khép kín, tách biệt với khu sinh hoạt chung; đảm bảo có một phòng khác để nhân viên y tế đến khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe F1; phòng cách ly có nhà vệ sinh, nhà tắm riêng; đủ dụng cụ sinh hoạt cá nhân; có dụng cụ đo thân nhiệt; thùng đựng rác có nắp đậy; F1 có suất ăn riêng, được thành viên trong gia đình mang đến, để ở bàn trước cửa phòng cách ly; thời gian cách ly F1 tại nhà là 28 ngày; lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 5 lần...
Chia sẻ giải pháp tháo gỡ những khó khăn khi cách ly F1 tại nhà, độc giả Trần Hưng gợi ý: "Bài toán cách ly F1 tại nhà muốn giải được phải có một điều kiện cần. Đó là ý thức người dân. Chúng ta cần tuyên truyền cho người dân để hiểu rõ được ý nghĩa, lợi ích của việc tự cách ly tại nhà. Thực tế, vì không hiểu nên nhiều người khi biết tin mình dương tính thường có tâm lý hoang mang, lo sợ và bỏ trốn. Thêm vào đó, khi cách ly tại nhà, bát buộc phải gắn thông báo ở trước nhà để người khác không đến gần. Tuy nhiên, điều này cũng khiến người bị cách ly lo lắng hệ lụy khi bị hàng xóm phân biệt, đối xử, đề phòng. Đây cũng là việc cần giải quyết trước".
Trong khi đó, nhấn mạnh việc cần thiết áp dụng công nghệ vào giám sát người cách ly tại nhà, bạn đọc Anh Tu Luong cho rằng: "Có thể xem xét F1 có đủ điều kiện cách ly tại nhà hay không rồi mới cho phép, như điều kiện cơ sở vật chất, phòng riêng khép kín, yêu cầu phải có cam kết thực hiện cách ly nghiêm túc, lắp camera 24/7, cần phần mềm tổng hợp theo dõi theo mã định danh từng F1 cho phép kê khai hàng ngày và có chat box hỗ trợ khi cần tư vấn về các triệu chứng, có khả năng kết nối đến các đội phản ứng nhanh trong trường hợp cần hỗ trợ y tế, cấp cứu....".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.