Vừa để đổi điểm thi tốt nghiệp môn tiếng Anh, vừa dùng trong xét tuyển đại học, thậm chí yêu cầu tuyển dụng cũng đòi hỏi trình độ ngoại ngữ, chứng chỉ IELTS trở nên có giá. Nhiều người Việt ngày nay dốc sức để học và thi lấy chứng chỉ "thần thánh" này. Số kỳ thi IELTS ở Việt Nam thời gian qua đang tăng lên mạnh mẽ.
Mức học phí trung bình để luyện IELTS phổ biến từ 2 đến 5 triệu mỗi tháng. Khóa chuyên sâu Nói, Viết có giá 9 triệu đồng. Các khóa luyện cả 4 kỹ năng phổ biến ở mức 13 đến 15 triệu đồng tùy thời lượng. Mức chi phí này chiếm từ 1/4 đến vượt quá mức thu nhập trung bình 7,88 triệu đồng/tháng của một lao động, theo kết quả khảo sát đời sống việc làm tiền lương của Viện Công nhân Công đoàn. Thế nhưng, ngày càng có nhiều người sẵn sàng đầu tư tất tay để có cho mình "tấm vé thông hành" mang tên IELTS.
Tôi không thần thánh hóa IELTS, nhưng phải đánh giá một cách công bằng rằng kỳ thi chứng chỉ IELTS được tổ chức rất nghiêm túc, chỉn chu và có giá trị quốc tế. Những ai đạt điểm cao IELTS đều có thể giao tiếp tốt với người nước ngoài bằng tiếng Anh. Cũng chính vì thế mà IELTS được nhiều nước dùng làm tiêu chuẩn xét du học như Canada, Australia, Anh...
Quan điểm của tôi là ai ham học, có điều kiện thì rất nên học và thi IELTS. Vì biết thêm ngoại ngữ sẽ chỉ tốt cho bản thân bạn. Nhưng với những nơi tuyển dụng nhân viên có trình độ (có bằng đại học, cao học...) mà không cần sử dụng tiếng Anh nhiều thì tôi ủng hộ họ đưa IELTS vào tiêu chí tuyển dụng theo kiểu yêu cầu ứng viên phải "nghe, nói tiếng Anh lưu loát...". Nó giống như một phong trào chứ không mang lại hiệu quả thức chất.
>> 'Người Việt tốn quá nhiều thời gian cho việc học tiếng Anh'
Lên các trang mạng tìm việc làm, tôi nhận thấy một thực tế là đối với các vị trí yêu cầu trình độ học vấn cao hầu như đều có kèm một điều kiện: "nói, viết, nghe tiếng Anh lưu loát". Nhiều người rất giỏi chuyên môn, nhưng ngoại ngữ chỉ đọc hiểu mà thôi, khi xem điều kiện tuyển dụng về tiếng Anh như vậy, họ đành rút lui. Vô tình, công ty cũng mất đi cơ hội tuyển được người giỏi chuyên môn vốn đang rất cần trong sản xuất.
Trong khi đó, thực ra chỉ bộ phận kinh doanh mới tiếp xúc nhiều với khách nước ngoài, cần nhiều tiếng Anh, phần còn lại của công ty chủ yếu dùng tiếng Việt trong công việc hằng ngày, vậy đòi hỏi trình độ ngoại ngữ cao siêu để làm gì?
Tôi thấy trong lớp, trong công ty, bạn bè, hàng xóm xung quanh mình, ai ai cũng chạy đua học ngoại ngữ, mà tiếng Anh là chính. Nhưng đâu phải ai học xong cũng đều giỏi cả. Có người học rất giỏi, có người học mãi cũng chỉ ở mức đọc hiểu, còn nghe và nói rất kém. Có thể do họ ngại giao tiếp hoặc ít tiếp xúc với người nước ngoài.
Thời buổi này, giỏi tiếng Anh hay ngoại ngữ khác là một lợi thế, nhưng tùy vào sự nỗ lực, tiếp thu của mỗi người mà kết quả khác nhau. Vì thế, đừng "thần thánh hóa" IELTS.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.