Năm 22 tuổi ra trường, tôi đi làm vì muốn tự tay mình kiếm được những đồng tiền đầu tiên minh chứng việc học đại học giúp mình có cơ hội việc làm tốt hơn. Thế nhưng, sáu tháng sau khi đi làm, tôi lại chỉ mong tìm được công việc mà mình yêu thích hơn là số tiền tôi có thể kiếm được.
Năm 25 tuổi là giai đoạn khủng hoảng của tôi khi mà sự vật lộn giữa công việc yêu thích và thu nhập cần có khiến tôi nghẹt thở. Tôi nhận ra ba năm sau ngày ra trường, tôi không thể chỉ làm những thứ mình thích mà không có kết quả mình cần.
Rồi tôi cũng thay đổi công việc thứ ba vào năm 28 tuổi, tôi đã trúng tuyển công chức nhà nước nhưng không làm vì địa bàn công việc không phù hợp và giờ tôi đã bén duyên với công việc hiện tại. Tính ra đến nay đã gần bốn năm tôi gắn bó với công việc này.
>> Không mua nổi nhà nên cứ sắm iPhone 13?
Đôi khi, tôi vẫn trăn trở liệu mình có đang hạnh phúc với những thứ mình có và hài lòng với công việc này không? Có những ngày mệt nhoài trên công ty chưa đủ, về nhà mà đầu óc tôi vẫn suy nghĩ về công việc. Phải mất một thời gian tương đối dài tôi mới dần chấp nhận được môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp.
Sự thật là căng thẳng, áp lực về chuyên môn công việc chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng cách thức tương tác và văn hóa công sở mới ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc đi làm của mỗi người.
Đi làm không thể mong đợi ngày cũng vui vì công sở không phải công viên. Công sở chỉ cần là nơi lành mạnh và cho mình cơ hội làm việc và tạo ra thu nhập là đủ. Nếu ta trông chờ nơi làm việc sẽ cho ta niềm vui thì thứ nhận lại sẽ có thể chỉ là sự căng thẳng trong công việc và những va chạm trong các mối quan hệ khiến ta cảm thấy thất vọng.
Để có thể gắn bó với công việc trong thời gian dài điều mình cần làm là xác định rõ ràng mục đích đi làm là gì chứ không phải đòi hỏi đi làm để được vui vẻ, hạnh phúc thế nào.
Hiểu được điều đó, tôi dần bình thường hóa các vấn đề nơi công sở và cảm thấy nhờ có công việc tạo ra thu nhập ổn định mà tôi có được những niềm vui khác và khiến bản thân hạnh phúc.
>> Về quê là đường lùi ở tuổi 35
Chúng ta không thể đòi hỏi công việc tự thân nó mang lại niềm hạnh phúc cho người làm mà chỉ nên coi đó là cách thức để giúp ta tạo ra giá trị phục vụ cho chính những mưu cầu khác của mình.
Tôi nhận ra mong ước của tuổi 20 thật khác, đó là khi sự khát khao được trải nghiệm và thay đổi của tuổi trẻ cao hơn tất cả. Nhưng khi sự trưởng thành gõ cửa, năm 30 tuổi tôi nỗ lực để có được công việc với thu nhập ổn định và phù hợp với các nhu cầu của bản thân.
Tôi không còn ngốc nghếch khi hỏi tự hỏi rằng mình có cảm thấy hạnh phúc hay 100% hài lòng về công việc hay không. Vì khi xác định được mục tiêu trong công việc, tôi vững tin đi theo các kế hoạch của mình hơn là bị chi phối bởi các cảm xúc không cần thiết.
Nghe có vẻ tôi là robot lao động nhưng thực ra, khi có đủ thời gian đủ dài và trải nghiệm các môi trường công ty khác nhau (trong và ngoài nhà nước), bạn sẽ nhận ra điều khiến ta hạnh phúc mỗi ngày không đến từ công việc hay tám tiếng công sở.
Hạnh phúc có được từ sâu thẳm trong tâm trí, trong suy nghĩ của mỗi người mà không đến từ tách động bên ngoài. Công việc có thể khiến bạn thất vọng, áp lực nhưng nó không làm bạn mất đi cảm nhận về hạnh phúc.
Nhìn nhận công việc như hoạt động thường ngày vốn dĩ diễn ra sẽ khiến ta phần nào cảm thấy quen thuộc, chấp nhận những điều không hoàn hảo để cảm thấy cuộc sống còn nhiều điều thú vị hơn mỗi ngày.
Thuy Tran
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.