Xung quanh nhận định "những đứa trẻ ngoan quá vâng lời, muốn làm hài lòng cả thế giới sẽ khó thành công trong sự nghiệp", nhiều độc giả VnExpress bày tỏ quan điểm:
Lúc nhỏ tôi đã được dạy làm một đứa trẻ ngoan nhưng nếu tôi có con, tôi không muốn chúng chỉ biết ngoan ngoãn, nghe lời. Bản thân tôi khi đi làm văn phòng rất chỉn chu, nói năng tiết chế và dè dặt. Khi ở nhà, tôi cảm thấy rất thoải mái thể hiện bản thân, không cần phải tỏ ra tốt đẹp theo chuẩn xã hội. Điều tôi ước mơ là có thể vượt ra khỏi những nỗi sợ của bản thân để mạnh mẽ trở thành một người thành công đúng nghĩa, dám giận dữ, dám la lối khi cần thiết. Mỗi lần nhìn thấy sếp thể hiện mà mình cũng ước ao có thể được như vậy. Lúc nhỏ, đi học tôi đã rất sợ roi vọt của thầy cô, vì vậy luôn cố gắng ngoan ngoãn và không thể hiện bản thân để gây ra bất cứ sự cố gì. Vì vậy, những dạy dỗ để hy vọng con cái ngoan ngoãn vâng lời bằng roi vọt, lời mắng thật sự đã cướp đi một tương lai thành công của trẻ nhỏ.
Tôi đi làm hơn chục năm nay, làm tốt, làm hài lòng từng người và kết quả vẫn là một nhân viên gương mẫu quèn. Trong khi những người vô làm cùng thời điểm với tôi, tính cách ngang tàn, chống đối thì nay lên phó, trưởng phòng và thậm chí cao hơn nữa.
Tôi cũng từng là một đứa trẻ ngoan và điều đó khiến tôi nhút nhát. Lúc nhỏ, mỗi lần đánh nhau với mấy nhóc hàng xóm thì mẹ tôi chẳng cần biết đúng sai, cứ lôi tôi về mà đánh. Tôi thấy thật bất công nên tôi tìm cách thoát ly. Đến năm lớp 8, tôi xin lên thành phố học (nhà tôi dưới quê) và quậy tưng bừng, tụ tập, đánh lộn đủ cả. Ngoài thời gian chơi bời thì tôi cũng học rất giỏi thi đậu và trường top 1 của tỉnh. Lên cấp 3, tôi vẫn tụ tập, đánh lộn nhưng cũng học giỏi và đậu đại học. Khoảng thời gian ở trọ và thoát ly khỏi bốn bức tường do ba mẹ tôi dựng lên, phải nói là thời gian hạnh phúc nhất cuộc đời tôi. Bây giờ, tôi làm kinh doanh bất động sản, thu nhập cũng ổn.
Có nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra 3 đặc điểm dẫn tới thành công từ lúc còn nhỏ là: khả năng làm toán trước năm 7 tuổi (thuyết phục), khả năng để dành đồ ăn (đầu tư), khả năng nói dối (trí tương tượng). Trong giáo dục phương Tây không có định nghĩa "trẻ hư" hay "học sinh cá biệt" mà chỉ có học sinh "có vấn đề tâm lý" và học sinh "ổn định tâm lý" (để tránh gán nhãn cho trẻ). Theo đó, dạng học sinh có vấn đề tâm lý cần được bác sĩ tâm lý, giáo viên tâm lý... can thiệp. Can thiệp tâm lý rất dễ dàng thay đổi bạn, nhưng trí tưởng tượng, tính thuyết phục người khác... không phải ai cũng có thể học được.
Đứa trẻ nào ngoan quá, một khi cha mẹ không còn kiểm soát nữa, chúng sẽ dễ dàng sa ngã vào cám dỗ của xã hội vì không có sức đề kháng. Ngày trước, lúc tôi còn ở trường đại học, có thể thấy rõ lớp chia thành hai phe. Một phe ở thành phố, ăn sung mặc sướng, tiêu tiền có phần xa xỉ. Một phe ở nông thôn, con ngoan trò giỏi, ăn mặc giản dị, chi tiêu tiết kiệm.
Đến năm thứ hai, tất cả bắt đầu lộ ra. Những bạn ở nông thôn khi tiếp xúc với phồn hoa nơi thành phố bắt đầu sa ngã, đầu nhuộm vàng, nhuộm đỏ, sa đà vào làm thêm kiếm tiền, để rồi nợ môn hết lần này đến lần nọ. Trong khi đó, các bạn ở thành phố, kém lắm thì cũng học tàng tàng, sau đó tăng tốc lên, có người còn giành được học bổng của các trường nước ngoài, có người thì đạt được đỉnh cao trong cái môn họ thích, trở thành người mà giảng viên luôn luôn thích thú nhắc tên. Đơn giản vì với họ, chuyện tiêu tiền, chơi bời họ đã quen rồi, nó không còn là cái đáng để sa đà vào nữa, và họ biết lên đại học là đã tới lúc mặc áo giáp vào để xông pha ra cuộc đời, thế nên họ chăm chỉ hẳn lên.
Mấy người "ngoan", chỉ biết nghe lời khi đi làm dễ bị đồng nghiệp sai làm cái này, cái kia lắm. Để rồi chẳng những người đồng nghiệp ấy không trân trọng mình mà còn có phần khinh thường, coi mình là đứa để sai vặt, ai nói gì cũng phải nghe... Sống trên đời là phải chuẩn bị tâm thế cãi lại, chống lại khi nào cần!
Cuộc sống là sự mâu thuẫn lợi ích. Nếu như bạn phải làm hài lòng mọi người, sẽ không có được thành công. Một ví dụ nhé: bạn làm trong bộ phận quản lý chất lượng của công ty, công nhân làm hư hỏng hàng, hoặc quá chậm, bạn phải báo cáo lên cấp trên để có biện pháp xử lý, thậm chí là đuổi việc. Bạn có 2 phương án: bao che cho nhân viên, hoặc báo cáo lại. Chọn một trong hai, bạn đều phải làm mất lòng bên còn lại, cuối cùng bạn sẽ phải chọn công ty, và cho chính công việc của bạn.
Tôi nhớ thời đi học phổ thông lớp 12, có những bạn học không giỏi, thậm chí chỉ copy bài người khác, sau này gặp lại, có bạn làm tới trưởng phòng. Trong khi bạn lớp trưởng ngày xưa học cực giỏi giờ chỉ làm những việc bình thường. Lên đại học cũng vậy, những bạn giỏi thì đi làm cũng không thăng tiến mấy, trong khi mấy người học dở thì cực kỳ nhanh, giờ làm giám đốc. Cuộc sống đôi lúc thật kỳ lạ, không phải cứ giỏi thời đi học thì sau này trở thành người giỏi.
Ở những quốc gia phát triển, họ nghiêm cấm cha mẹ và thầy cô giáo đánh trẻ nhỏ, bởi điều đó làm thui chột cá tính của trẻ. Một cá nhân chỉ phát tiết tài năng khi có được cá tính riêng. Các bậc cha mẹ ở ta thường đánh đồng khái niệm "ngoan" có nghĩa là phải "vâng lời", thay vì dạy trẻ cách thể hiện quan điểm và lối tư duy riêng, họ lại vô ý dạy cho trẻ cách phục tùng vô điều kiện. Kết quả, khi trưởng thành ra ngoài xã hội, họ cố gắng để làm vừa lòng mọi người, và tự cho rằng mình là "người tốt", để rồi nhận lấy cuộc đời và sự nghiệp bình lặng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.