Căn nhà luôn là nỗi ám ảnh của phần đông người Việt. Với quan niệm "sống có nhà, chết có mồ" nhiều người tiết kiệm, hy sinh đủ thứ để có thể mua được nhà.
Vậy nên nhiều trường hợp ở quê dành dùm tiền bạc cả đời, đến khi tuổi mấp mé xế chiều mới xây được căn nhà nên nhiều người cố hết sức để làm rất hoành tráng cũng là điều dễ hiểu.
Trong khi đó, có những người chuẩn bị bước sang tuổi trung niên nhưng vẫn chưa mua được nhà ở thành phố và loay hoay tìm cách giải quyết bài toán này nhưng mãi vẫn chưa xong.
Ở một số bài viết về việc mua nhà, nhiều người tỏ ra thắc mắc có cần vay nợ, đánh liều để mua nhà hay không và họ ủng hộ việc đi ở thuê. Tuy nhiên tôi nghĩ số này còn trẻ hoặc đã có nhà rồi nên chưa thấu hiểu hết nỗi lo vô hình của những người chưa có nhà. Những người cố gắng hết sức, chấp nhận nợ nần để mua nhà vì họ hiểu tầm quan trọng của căn nhà đối với sự ổn định của gia đình.
Tôi có một anh bạn, tuổi đã qua 40 nhưng hai vợ chồng vẫn còn ở nhà thuê với nỗi lo canh cánh trong lòng. Lúc trước thì hai vợ chồng thuê nhà nguyên căn để ở, được vài năm thì chuyển từ căn này sang căn khác.
Đến lần chót khi chủ thanh lý hợp đồng sớm để bán nhà thì gia đình mới thuê và dọn lên ở chung cư. Khỏi phải nói việc dọn nhà đi đi lại lại trong ngần ấy thời gian là bất tiện như thế nào. Vừa ảnh hưởng thời gian, vừa ảnh hưởng công sức và tâm lý của các thành viên trong gia đình.
Phận ở thuê cũng mang tâm lý không dám sắm sửa, trang trí nhà cửa theo ý thích. Tâm lý con cái cũng không tốt so với bạn bè cùng trang lứa: học tiểu học thì ở nơi này, cấp hai lại ở nơi khác, không biết khi đến cấp ba thì đến nơi nào.
Kỷ niệm về nơi sinh trưởng có ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Trong khi việc ở nhà thuê cũng không đem lại cảm giác thoải mái về một chốn riêng tư của các thành viên trong gia đình.
Sở dĩ anh bạn tôi rơi vào hoàn cảnh như thế này là cả vợ lẫn chồng đều sống khá vô tư, vô lo ngay từ sau khi kết hôn và thời còn hừng hực sức. Họ cứ sống an phận lĩnh lương mỗi tháng mà sống qua ngày. Thời hai mấy tuổi mới cưới thì không sao, đến khi có con, rồi bước qua tuổi 30-40 đến khi ý thức được việc phải có nhà thì đã quá muộn. Và một lý do nữa là họ ỷ y sau này có gì thì sẽ về quê ở.
Nhưng vấn đề được đặt ra là với một gia đình trung niên 40-45 tuổi hoặc cao hơn, sau mấy chục năm ở phố, quen với lối sống và việc làm ở thị thành thì có dọn về quê ở được không? Đa phần câu trả lời là rất khó khăn. Về quê tuổi đó, đồng nghĩa với việc phải vượt qua thách thức họ hàng, xóm giềng dị nghị. "Tưởng sao, đi mấy chục năm rồi thì cũng mò mặt về quê lúc già"... là những câu nói tưởng tượng lởn vởn trong đầu ông bạn tôi.
Và hơn hết là về quê thì làm gì sống? Mấy chục năm làm văn phòng, làm việc nhẹ nhàng thì vác cuốc ra vườn, vác bừa ra đồng có được không? Dĩ nhiên là không rồi. Hơn nữa, ở tuổi đó, bà con họ hàng ở quê đều đã có cơ ngơi, nhà cửa khang trang như tôi nói ở đầu bài viết hết cả rồi. Bây giờ mình về đó, đồng nghĩa với việc làm lại từ đầu, mấy ai vượt qua nỗi "mặc cảm" đó vả lại nếu vượt qua được thì sức lực và ý chí có còn sung sức như thời thanh niên trai tráng?
Sau những lần tâm sự và động viên cũng như phân tích thiệt hơn, bạn tôi nói rằng sẽ bấm bụng bán miếng vườn là đất ông bà để lại cho cha mẹ, cha mẹ chia cho các con. Dù biết rằng chọn cách này là bất đắc dĩ khi phải bán đi miếng đất của ông bà nhưng không còn cách nào khác. Vì đây là nguồn tài chính đột phá nhất để có tiền mua được căn nhà ở phố.
Tôi nghĩ rằng cũng có rất nhiều trường hợp giống như anh bạn tôi. Và một vấn đề được đặt ra để những bạn trẻ tránh đi vào con đường này là: Tại sao không tìm một đường lùi trước khi rơi vào tình trạng trung niên vẫn chưa có nhà ở thành phố? Và cái cột mốc quan trọng mà tôi nghĩ để các bạn trẻ bây giờ phấn đấu cũng như tìm hướng đi mới là tuổi 30-35.
Nếu đạt đến độ tuổi này mà tình hình mua nhà, mua căn hộ ở phố vẫn chưa có đường ra như tài chính, lương bổng không mua nổi hoặc không thể trả góp được thì nên suy nghĩ về việc về quê hoặc tìm môi trường sống và làm việc mới. Bởi hơn chục năm ở phố mà vẫn cứ làng nhàng, không có đột phá gì được thì chứng tỏ bạn đang có vấn đề ở chính nơi bạn đang sống và lập nghiệp.
Hãy về các tỉnh vùng ven Sài Gòn, Hà Nội hoặc về quê hoặc ở thành phố, thị xã thuộc tỉnh nào đó và thử thời vận ở nơi mới. Biết đâu lại tìm được một cơ hội mới để thoát ra khỏi tình cảnh hiện tại. Nếu hai, ba năm mà vẫn không chuyển biến tích cực hoặc tệ hơn thì quay lại thành phố. Miễn là có thay đổi, có cố gắng là được. Thà hối hận vì đã làm, còn hơn là đợi đến lúc trung niên hoặc già lại hối hận vì đã không làm.
Lê Bảo
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.