Khái niệm "biên chế suốt đời"của công chức, viên chức đang được các đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội thảo luận, nhìn nhận như một lực cản lớn đối với việc cải cách hoạt động của các tổ chức, cơ quan nhà nước theo hướng hiệu quả hơn.
Trước hết phải nói rằng, cả hai Luật Công chức và Viên chức không sử dụng trực tiếp từ ngữ nào hàm ý "suốt đời" (mặc dù có loại hợp đồng không thời hạn). Những điều khoản thực hiện của hai Luật đều có các nội dung cho phép triệt tiêu sự chây ỳ "suốt đời" của công chức, viên chức khi làm việc kém.
Vậy tình trạng "biên chế suốt đời" có hay không trong thực tiễn và căn nguyên là ở đâu ? Có nhiều, rất nhiều công chức, viên chức đang thụ hưởng tiêu chuẩn "suốt đời" theo ý nghĩa mà xã hội đang nhắc tới (không làm/làm kém mà vẫn yên vị). Tôi cho rằng lỗi thuộc cả hai: những quy định cũ kỹ, không còn phù hợp và đặc biệt là khâu thực hiện Luật của các cơ quan, tổ chức nhà nước.
Tôi vào làm cơ quan nhà nước ngay năm đầu tiên thập niên 80 của thế kỷ trước. Tôi lạ lẫm và tò mò với cách thức "kiểm điểm" mỗi dịp 6 tháng sơ kết và cuối năm tổng kết hoạt động ở cơ quan.
Năm đầu tôi kiểm điểm rất nghiêm túc. Mỗi người đọc bản kiểm điểm, rồi lần lượt mọi người góp ý kiến. Phương châm là "góp ý chân thành để đồng nghiệp tiến bộ".
Lính trẻ như tôi kiểm điểm cùng mấy bác sắp về hưu. Tuy nhiên, tôi để ý thấy, nhiều "lão tướng" đọc bản kiểm điểm nghe cứ rổn rảng như nghị quyết hay chép từ văn bản hướng dẫn ra. Cũng qua hết.
Và rồi, tôi ngày càng "láu cá" hơn với các bản kiểm điểm chả khác gì năm ngoái và chả khác mấy các đồng nghiệp. Ai cũng bắt đầu bằng mệnh đề "làm việc có trách nhiệm" và kết là "sống giản dị, lành mạnh, hoà đồng...".
Giờ đây, khi đất nước hội nhập, nhiều quan niệm, chuẩn mực xã hội đã thay đổi căn bản. Vậy mà cứ đến cuối mỗi năm, các cơ quan nhà nước lại tất bật chuyện họp hành, tổng kết.
Lại điệp khúc các bản kiểm điểm, ngồi họp nhận xét nhau. Nhưng họp bây giờ qua quýt hơn. Khi đã ngồi ghế bậc "trưởng lão", nhìn thế hệ trẻ tóc hoe, tóc nâu, cánh tay điểm bông hoa xăm, đọc bản kiểm điểm mà tôi cười nụ một mình.
Gần 40 năm, nhiều thứ đã thành cổ tích, như tem phiếu, phân phối kem đánh răng, nhưng riêng mục kiểm điểm này vẫn là món "huyền thoại" sống dai dẳng.
Có lẽ để bớt nhàm chán trong mỗi cuộc họp kiểm điểm, những năm gần đây cấp trên lại "phát hành"mẫu theo hình thức chấm điểm, trong đó ghi rõ "lập trường, quan điểm" được mấy điểm, chuyên môn mấy điểm, hạnh kiểm mấy điểm..., với tổng điểm là 100, cho cả tập thể và cá nhân. Mức điểm đạt được ứng với mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Câu hỏi là có nên thay đổi cách đánh giá công chức, viên chức? Tôi cho rằng phải thay đổi, bởi cách này đã quá cũ, không còn phù hợp lại bị thực hiện một cách hình thức, thậm chí méo mó.
Việc hàng năm công chức, viên chức phải họp hành kiểm điểm được quy định ở mục Đánh giá của cả hai Luật và các nghị định của Chính phủ. Hàng năm phải đánh giá là đúng. Tuy nhiên, như nói ở trên, duy trì cách đánh giá quá cũ, quá lâu cộng với tình trạng xã hội, nhất là nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước ngày càng sa lầy vào căn bệnh thành tích khiến công cụ kiểm điểm này biến thành bệnh hình thức, thậm chí giả dối. Tình trạng giả dối thể hiện rõ ràng nhất ở khâu bình xét mức độ thực hiện nhiệm vụ, nhất là bầu bán các danh hiệu.
Như một lãnh đạo Bộ Nội vụ vừa báo cáo trước Quốc hội, số liệu tổng hợp từ 19/33 bộ, ngành ở Trung ương và 45/63 địa phương thì năm 2018, tỉ lệ công chức-viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 26,94% và 27,24%; hoàn thành tốt nhiệm vụ là 69,34% và 67,08%.
Tỉ lệ không hoàn thành nhiệm vụ chỉ là 0,59%và 0,38%. Nếu soi văn bản hướng dẫn hàng năm về tiêu chí xét các mức hoàn thành nhiệm vụ, trong một tập thể 10 người mà có tới gần 3 người làm việc xuất sắc, gần 7 người hoàn thành tốt nhiệm vụ như Bộ trưởng báo cáo thì quả là Quốc hội và dư luận đã đánh giá "oan uổng" cho đội ngũ công chức, viên chức hiện nay.
Từ nhiều năm nay tôi cứ nghĩ mãi, xã hội bây giờ đã mở, làn ranh khác biệt giữa người làm việc trong hệ thống cơ quan nhà nước và tư nhân ngày càng nhạt nhoà. Vậy tại sao "người nhà nước" cứ giữ mãi hình thức đánh giá nhau thông qua hệ thống danh hiệu?
Các danh hiệu "Chiến sĩ thi đua", "Lao động tiên tiến" với số tiền chi thưởng kèm theo hàng năm lấy từ nguồn ngân sách có thực sự khích lệ người lao động? Tại sao nhiều quan chức đã ở cấp rất cao, quyền rất lớn nhưng cuối năm vẫn cứ phải là "chiến sĩ thi đua"? Thời gian dành cho các cuộc họp hành, bầu bán, thời gian tổ chức các hội nghị, in giấy khen, bằng khen, đúc huân, huy chương... Sự "nhiêu khê" đó có tương xứng với nhưng hiệu quả mang lại?
Cái cách định "quota"danh hiệu có lẽ cũng là "đặc sản" của các cơ quan nhà nước. Căn cứ số lượng biên chế, trên sẽ ấn định tỉ lệ tập thể/cá nhân xuất sắc, đạt chiến sĩ thi đua, được bằng khen chính phủ hay cấp bộ ngành. Cho nên khi xét xảy ra những tình huống muốn cười mếu: số người hụt tí hay vượt tí liệu có xét cho đơn vị đó được hưởng cái "quota" danh hiệu xuất sắc không ? Rồi lại có quy định các tập thể/cá nhân đầu năm phải đăng ký mức hoàn thành nhiệm vụ, thì cuối năm mới được xét.
Để bảo đảm đủ chuẩn theo quy định, ví như chiến sĩ thi đua thì phải đăng ký sáng kiến, thế nên các "người nhà nước" chuyển toàn bộ những việc lẽ ra là nhiệm vụ thường xuyên, đánh màu một tí, thành ra "sáng kiến".
Rồi lại có quy định mấy năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở thì đạt danh hiệu cấp cao hơn, cấp toàn quốc. Mấy năm có bằng khen cấp bộ ngành thì được bằng khen chính phủ, mấy năm có bằng khen chính phủ thì được huân chương hạng nào. Cái cách mặc nhiên cấp "quota"danh hiệu và nâng hạng khen thưởng theo số cộng danh hiệu này đẻ ra tình trạng các cá nhân/đơn vị nhường nhau lấy thành tích. Cá nhân/tập thể nào đã hai năm liền rồi thì năm thứ ba dễ được "nhường" tiếp để đủ cơ số năm lãnh thưởng cao hơn theo quy định. Thậm chí người ta sẵn sàng "tốt" với đồng nghiệp khi đồng nghiệp cần cái danh hiệu A để sang năm được nâng lương trước thời hạn. Bầu cho đồng nghiệp năm nay, năm tới đến lượt mình.
Tiếp xúc với cách quản trị đơn vị tư nhân, đặc biệt là các cơ quan, tổ chức nước ngoài, nhiều lúc tôi không tự lý giải được, tại sao các cơ quan, đơn vị nhà nước Việt Nam vẫn cứ cố thủ trong cách vận hành, quản lý đơn vị, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức của mình theo cái cách "không giống ai" đó?
Điều gì cản trở sự thay đổi? Phải chăng bắt nguồn từ cái cách "người nhà nước" từ cao đến thấp được mặc nhiên hưởng các quyền lợi từ ngân sách. Cấp cao thì hưởng nhiều, cấp thấp thì hưởng ít hơn trong khi cùng xem nhẹ trách nhiệm. Đồng lợi ích, đồng trách nhiệm nên đồng thuận giữ cơ chế làm "người nhà nước suốt đời" dẫu quá rõ những bất cập.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.