Văn hoá làm việc 996 (được hiểu là làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần) đã gây ra không ít tranh cãi trong dư luận. Tuy nhiên, văn hoá 715 mới thực sự là thứ khiến bạn phải rùng mình.
Thời gian gần đây, phong trào phản đối văn hoá làm việc 996 nổ ra ở Trung Quốc và dần lan sang các quốc gia khác. Việc tăng ca và làm thêm giờ từng được coi là tiêu chuẩn làm việc của xã hội hiện đại thì nay vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ phía người lao động. Họ cho rằng các công ty, tập đoàn lớn đang bóc lột sức lao động của nhân viên và lờ đi quy định của nhà nước về số giờ làm việc.
Trước khi bước chân vào thị trường lao động, nhiều sinh viên đã mơ tưởng về những doanh nghiệp có đãi ngộ tốt, làm việc 8 giờ một ngày, cuối tuần được tụ tập với bạn bè và những ngày lễ Tết vẫn được hưởng 100% lương. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ đã vỡ mộng khi hầu hết các công ty ở Trung Quốc hiện nay đều làm việc với văn hoá 996. Sau khi tính toán, một nhân viên phải làm việc theo văn hoá 996 tức là họ phải làm tổng cộng 72 giờ mỗi tuần, tức là cao hơn gần gấp đôi so với quy định 40 giờ làm việc một tuần của chính phủ Trung Quốc.
>> Không mua nổi nhà nên cứ sắm iPhone 13?
Các ông chủ doanh nghiệp đương nhiên rất hoan nghênh văn hoá làm việc này. Jack Ma đã từng nói văn hoá 996 là "phúc khí" của nhân viên, nếu như bạn không cật lực làm việc khi còn trẻ, thì khi về già sẽ phải hối hận. Trong khi tranh cãi về văn hoá 996 vẫn chưa kết thúc, thì mới đây văn hoá làm việc "715" được đề xuất có thể sẽ khiến bạn rùng mình. 715 được hiểu là làm việc 15 tiếng mỗi ngày và 7 ngày một tuần.
Người đề xuất nên văn hoá làm việc này là Giả Long Quốc - giám đốc công ty cung cấp dịch vụ ăn uống Tây Bối có trụ sở tại Nội Mông Cổ. Ông cho biết công ty của ông đã duy trì văn hoá này được 5 năm và nó đã giúp doanh nghiệp của ông đạt được thành tựu như ngày hôm nay. Có thể dễ dàng nhận thấy, thời gian và cường độ làm việc như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của nhân viên khi mà họ hầu như không có ngày nghỉ để hồi phục lại cơ thể.
Thời gian gần đây, chúng ta đã bắt gặp những trường hợp đột tử vì làm việc quá sức nơi công sở. Điều này khiến chúng ta đặt ra câu hỏi: liệu có đáng khi phải đánh đổi sức khoẻ và tính mạng để đổi lấy tiền hay không? Những người sếp đề ra văn hoá làm việc này có thể tự nguyện làm việc 15 tiếng mỗi ngày và 7 ngày một tuần, bởi vì đó là doanh nghiệp của họ.
Nhưng những người sếp ngày không thể bắt ép nhân viên cũng phải có chung cường độ và thời gian làm việc giống mình. Bởi ngoài công việc, nhân viên còn phải dành thời gian cho gia đình, bạn bè hay các hoạt động cá nhân. Đó là còn chưa kể, dù là 996 hay 715 thì đều đang vi phạm quy định của nhà nước về số giờ làm việc.
Nhìn bề ngoài, văn hoá 996 hay 715 dường như có lợi cho doanh nghiệp hay các ông chủ. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều ông chủ đã nhận ra sau khi hệ thống làm việc 996 hay 715 được triển khai, hiệu quả công việc của nhân viên giảm sút rõ rệt. Điều này đồng nghĩa với việc thời gian tăng ca kéo dài cũng không thể kéo hiệu suất làm việc tăng lên.
Khi thông tin về đề xuất văn hoá làm việc này được đưa lên mạng, nhiều người đã bày tỏ sự bất mãn của mình. Họ cho rằng, văn hoá 996 vốn đã gây tranh cãi thì nay văn hoá 715 thật sự đã vượt quá giới hạn của người lao động.
Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp cũng cho rằng, tìm việc làm đã khó khăn, nếu như tìm được rồi mà phải đối mặt với văn hoá 996 hay 715 thì thật sự đã bóp chết nghị lực của người trẻ Tuy vậy, việc kiểm soát vấn đề làm thêm giờ vẫn làm đau đầu các nhà chức trách. Bởi hiện nay chỉ có các doanh nghiệp nhà nước mới tuân thủ nghiêm chỉnh giờ giấc làm việc được quy định theo pháp luật quốc gia.
Còn tại các công ty tư nhân, công ty nước ngoài, việc làm thêm dường như đã trở thành chuẩn mực. Điều đáng quan ngại hơn là các bạn trẻ ngày nay cũng đã quá quen thuộc với văn hoá tăng ca buổi tối tại chỗ nào.
Ở lại tăng ca càng lâu, bạn sẽ được trả càng nhiều tiền, thậm chí còn được lãnh đạo đánh giá cao. Nếu như chuông báo hết giờ làm vang lên mà cả công ty vẫn miệt mài ở lại tăng ca, chỉ có một mình bạn đứng dậy chuẩn bị ra về, liệu bạn có cảm thấy xấu hổ hay không?
>> Về quê là đường lùi ở tuổi 35
Cho dù có không ít nhân viên tỏ ra bất mãn thì họ cũng không dám phản kháng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và kế sinh nhai của họ. Tuy nhiên có thể nhận thấy, trên thị trường lao động hiện nay, văn hoá làm việc 715 vẫn chưa phổ biến. Đa số các ông chủ doanh nghiệp cũng cho rằng, tuổi trẻ là phải vất vả làm việc, tuy không ép buộc nhưng ở một mức độ nào đó họ vẫn ủng hộ và khuyến khích nhân viên làm thêm giờ.
Những sinh viên đại học một ngày nào đó sẽ phải rời ghế nhà trường và đối mặt với thế giới tàn khốc, khi ra trường sẽ phải đối mặt với áp lực tìm việc. Sau khi tìm được việc thì sẽ còn gặp phải rất nhiều khó khăn và thử thách khác. Vì vậy sinh viên đại học nên chuẩn bị kỹ càng cả về kiến thức kỹ năng và một thái độ tự tin, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn nơi công sở.
Còn về giờ làm, nhìn từ góc độ tích cực, tăng ca cũng giúp các bạn có thêm thu nhập, hoặc nhận được sự tán dương từ đồng nghiệp hoặc lãnh đạo. Còn nếu thực sự không thể hoà nhập với văn hoá tăng ca một cách vô lý tại công ty, bạn hoàn toàn có quyền từ bỏ công việc này và tìm kiếm cơ hội khác.
Thanh Ha
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.