Tôi là người bị khá nhiều người ghét vì họ đến bày đặt làm thân rồi mượn tiền nhưng không được. Họ bảo tôi sống thế này thế nọ, sau này cần tiền không mượn được ai đâu. Tôi chỉ nhẹ nhàng đáp lại: "Em có thể mượn của cha mẹ, anh em, em có đất đai, em có thể vay ngân hàng, họ luôn hỗ trợ khi cần vì em uy tín. Còn anh có anh em, cha mẹ mà không mượn được ai xu nào, ngân hàng cũng không cho vay, chứng tỏ anh không có khả năng để mượn, và không đủ uy tín để ai cho vay. Thế nên anh đừng dạy ai cách sống, hãy xem lại mình trước tiên".
Thế nên, việc bị ai đó thường xuyên mượn nợ cũng một phần là do lỗi của bạn vì đã vô tình tạo thói quen cho họ sống bằng tiền của bạn. Tôi cũng nêu quan điểm với anh em trong nhà là sẽ chỉ cho mượn một phần nhỏ, sẵn sàng cho luôn, còn số tiền lớn thì kiên quyết nói "không". Tiền tôi vất vả, nhịn ăn, nhịn uống, không dám hưởng thụ để có được nên tôi phải biết trân trọng. Còn người khác chơi chơi, nhởn nhơ tận hưởng sung sướng, rồi đụng chuyện gì cũng đi mượn tiền, sau đó lại trây ỳ trả nợ hoặc quỵt luôn, chính họ mới là người đáng sợ.
Tôi cũng có một người anh rất "thương vợ", vài lần mượn tiền của tôi cho vợ tiêu xài, dẫn vợ đi du lịch. Mỗi lần, anh mượn 10-15 triệu đồng nhưng mãi không trả. Tôi cho anh mượn đúng ba lần như thế, xem như tiền cho cháu, không thèm đòi, vì biết người đi mượn tiền để tiêu xài thì có đòi họ cũng chẳng trả. Đến lần thứ tư, tôi nhắn tin nói thẳng: "Anh có thương vợ thì tự đi kiếm tiền mà cung phụng cho vợ. Vợ là do anh cưới về chứ không ai trong nhà ép phải lấy, nên anh phải có trách nhiệm chăm lo vợ chứ không phải là bất kỳ ai trong nhà. Đừng có nhắn tin mượn tiền nữa vì em sẽ không bao giờ cho mượn đâu".
Biết là sau tin nhắn đó, tình cảm anh em tôi coi như bỏ, nhưng rõ ràng, anh cũng chỉ xem tôi là cái máy in tiền. Vậy việc gì tôi phải vì mấy chữ "tình nghĩa anh em" mà cho mượn tiền hoài. Mượn lý do đột xuất nào đó thì nhiều lắm cũng chỉ một, hai lần, chứ không có ai rảnh mà còng lưng đi làm rồi cho anh em, họ hàng, bạn bè mượn mãi.
Tôi luôn tâm niệm "nghèo cho sạch, rách cho thơm". Ấy vậy mà khi đi làm, tôi vô tình biết lương của đồng nghiệp cũng bằng số lương mình lãnh. Mỗi tháng tôi để dư ra ít nhất cũng một triệu đồng, còn đồng nghiệp tháng nào cũng phải đi mượn thêm người này, người nọ để tiêu. Vậy là do họ tiêu xài như thế nào mới dẫn đến khó khăn, chứ không ai tự nhiên mà lao động chăm chỉ, sống tiết kiệm, tiêu pha hợp lý mà dẫn đến nghèo.
Cả cuộc đời tôi từ bé cho đến bây giờ chưa bao giờ mượn hay thiếu ai một xu. Có tiền thì ăn, không có thì nhịn, chi tiêu hợp lý, sống có kế hoạch, thậm chí đi chợ được người bán trả thừa tiền, tôi còn bắt xe quay lại trả. Chắc nhờ sống như vậy nên ông trời cho tôi có sự nghiệp tốt, tài chính vững, chồng tử tế, đàng hoàng. Thậm chí, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, thành phố bị phong tỏa, tôi bỗng nhiên trúng số 60 triệu đồng. Nhờ đó, tôi đã sống khỏe suốt mấy tháng mà không phải tiêu một đồng nào tiền tiết kiệm.
Nhân quả luôn thể hiện qua cách sống. Thực tế, nếu thấy người thân, bạn bè nghèo quá, tôi sẵn sàng cho luôn một số tiền nhỏ. Nhưng hy vọng họ cũng nên xem lại cách sống, lao động, đừng cứ luôn lấy cái nghèo, cái khó ra để sống ỷ lại vào người khác. Rõ ràng, mượn thì phải trả, lúc mình khó khăn người ta đã cho mượn, thì mình phải có trách nhiệm trả nợ đầy đủ, bằng không đừng hỏi sao nghèo hoài.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.