"Có vay có trả" đó là lẽ thường ở đời. Nhưng những người cho vay tiền thường rơi vào bế tắc vì câu hỏi "có nên đòi nợ hay không?". Cá nhân tôi - một người nhiều lần cho người khác vay tiền - lại không muốn đi đòi nợ nữa. Nghe có vẻ ngược đời nhưng để tôi nói rõ câu chuyện của mình cho các bạn hiểu.
Chuyện là tôi có một người em họ khá gần. Sống cạnh nhau nên hai chị em cũng thường xuyên qua lại, có thể nói là tương đối thân thiết. Tính tình của em cũng khá thân thiện, tốt tính, biết điều, chỉ duy nhất một điểm khiến tôi không thích chính là thói quen hay hỏi mượn tiền. Thực ra, hoàn cảnh gia đình em tuy không giàu có nhưng cũng không đến mức phải chạy ăn từng ngày.
Hai vợ chồng em lấy nhau khi trong tay chưa có gì, công việc cũng không ổn định. Ấy vậy mà em vẫn vay mua nhà rồi kiếm tiền trả nợ sau. Thuộc thế hệ trẻ nên em quan kiểu tiêu trước trả sau, từ vay ngân hàng đến dùng thẻ tín dụng đủ cả. Gánh khoản nợ là vậy, nhưng gia đình em vẫn giữa lối sống hưởng thụ, vẫn đi du lịch đây đó, mua sắm, ăn uống thường xuyên. Em có một cửa hàng kinh doanh nhỏ, mùa dịch này làm ăn thất thu nên kinh tế gia đình cũng eo hẹp hơn.
Cách đây ba năm, em có qua hỏi mượn tôi chút tiền để trả nợ cho ngân hàng vì đến hạn mà chưa đủ tiền. Nghĩ dịch bệnh khó khăn, lại chỗ chị em nên tôi đồng ý cho em vay ba triệu đồng để đủ trả tiền nhà. Em hứa một tháng sau sẽ trả, nhưng tôi chờ đến tháng thứ ba vẫn không thấy đâu nên có hỏi lại. Em rối rít xin lỗi vì quên mất và không lâu sau mang tiền qua trả tôi. Hai chị em vẫn vui vẻ như bình thường.
>> 'Anh chị em mua đất, tậu ôtô nhưng không trả nợ tôi'
Ít lâu sau, em lại qua nhà hỏi mượn tiền với lý do như cũ, có điều lần này số tiền nhiều hơn. Thương em nên tôi lại đồng ý cho vay bốn triệu đồng. Quá hạn trả lâu không thấy em liên lạc gì lại, tôi lại phải chủ động đi đòi. Và rồi em vẫn xin lỗi và trả nợ sau đó. Nhưng rồi, chuyện cũ vẫn tái diễn. Trả nợ được một thời gian, em lại qua hỏi vay tiếp với số tiền lên năm triệu đồng.
Thực ra, tôi không phải người tính toán nhưng bản thân vốn không thích nợ nần ai, cũng không muốn cho ai vay tiền nhiều. Có điều họ hàng gần nên tôi vẫn cả nể. Sau khi cân nhắc những lời khẩn thiết của em, tôi đành tặc lưỡi cho vay thêm lần nữa. Và đúng như dự liệu, cứ sau khi vay được tiền, em lại gần như cắt đứt hoàn toàn liên lạc. Đến ngày hẹn trả tiền nhưng em không một lời hồi âm, ngay cả việc xin lỗi, gia hạn thêm cũng chẳng có.
Tôi biết rằng, nếu bản thân mình không tự đi đòi trước, có lẽ em sẽ chẳng bao giờ chủ động trả. Lên mạng xã hội, tôi vẫn thấy em đăng ảnh đi chơi với gia đình, đăng status vui vẻ như không hề có chút khó khăn gì. Nhưng lần này, tôi lại chần chừ đòi nợ. Tôi sợ sau khi em trả nợ sẽ lại vay tiếp số tiền lớn hơn, rồi tôi sẽ phải phải mất công đi đòi khi quá hạn. Cứ phải chạy theo số tiền cho vay khiến tôi quá mệt mỏi. Vậy là từ đó tôi quyết định không đòi nữa để xem em sẽ hành xử thế nào?
Đã chuẩn bị bước sang năm thứ ba, nhưng lạ là tôi vẫn chưa thấy em nhắc gì đến chuyện trả nợ. Hai chị em ít khi có cơ hội gặp nhau, thỉnh thoảng tôi vẫn lên mạng bình luận dưới ảnh của em như một lời nhắc khéo, nhưng em vẫn tỉnh bơ như không. Thực ra, với tôi số tiền đó không đến mức quá lớn, nhưng cách lảng tránh của em lại khiến tôi rất phiền lòng. Tình cảm người thân dính đến chuyện tiền bạc, không ít thì nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng. Cuối cùng, tôi thà cứ để số nợ ở đó để đỡ phải có lần sau.
>> Tám tháng van nài đòi nợ 15 triệu đồng
Đúng là cuộc sống luôn có những biến cố không lường trước được. Chuyện mượn tiền thực ra không xấu, nhưng vấn đề nằm ở ý thức trả nợ của mỗi người. Với tôi, những người vay tiền mà không chủ động trả là rất thiếu tự trọng. Ngay cả khi gặp khó khăn, không trả được đúng hạn thì người đó cũng phải có ý thức, thẳng thắn xin khất chứ không phải im ỉm, lờ đi khi không thấy ai đòi.
Mới đây, tôi có đọc Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Liên quan đến vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác, tại Điều 15 Nghị định 144/2021 đã bổ sung quy định phạt tiền từ 2-3 triệu đồng với hành vi "không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản".
Như vậy, hành vi mượn tiền mà không trả hoàn toàn có thể bị xử lý theo pháp luật. Tất nhiên, chẳng ai muốn lôi người thân họ hàng của mình ra kiện tụng. Tuy nhiên, mong rằng Nghị định này sẽ góp phần chấn chỉnh ý thức trả nợ của nhiều người trong xã hội. Khi bạn đã dùng tình thân để vay mượn người khác thì cũng hãy trả nợ một cách sòng phẳng để tôn trọng mối quan hệ đó.
>> Bạn đòi nợ thế nào để không mất tình thân? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.