"Lướt qua một số bình luận trong câu chuyện 'Giúp người khiến tôi rước bực vào thân', tôi không đồng tình. Có người nói 'ngay cả anh em ruột cũng không cho mượn tiền' hay 'phải thấy có khả năng trả mới cho mượn, kể cả người nhà'. Tôi cho rằng đó là lối sống quá xem trọng đồng tiền.
Tôi xin chia sẻ một câu chuyện từ chính gia đình mình: Chồng chị tôi làm ngân hàng, có chơi với một người bạn làm lái xe của cơ quan. Những năm 2010, nhà cậu bạn ấy xây nhà nhưng không đủ tiền. Vì là nhân viên hợp đồng nên anh cũng không được vay theo chính sách ưu đãi về lãi suất như cán bộ của ngân hàng. Thấy vậy, chồng chị tôi đã đứng tên, vay tín chấp lương 150 triệu đồng từ năm 2010 cho người bạn ấy. Sau này, người bạn đó cũng trả nợ rất sòng phẳng và rất biết ơn vợ chồng chị tôi.
Nói vậy để thấy rằng, không phải ai cũng xấu, vấn đề là bạn chưa chọn đúng người, đặt niềm tin nhầm chỗ mà thôi. Hãy sống là chính mình, đừng để đến cả anh em ruột trong nhà cũng không giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Với tôi, nếu anh em, bố mẹ mình gặp chuyện, cần tiền, có thể giúp được bao nhiêu là tôi sẽ giúp đỡ đến cùng. Xã hội bây giờ, đồng tiền đã làm một bộ phận con người suy thoái về lối sống và tư tưởng.
Tất nhiên, cho mượn tiền mồ hôi, công sức của mình thì cũng phải biết hoàn cảnh và lý do họ vay. Không ai lại đem tiền cho những loại nghiện cờ bạc, trai gái mượn tiền cả. Cái mà tôi nói đến là khía cạnh chuẩn mực đạo đức. Ví dụ anh em làm nhà, gặp khó khăn, hoạn nạn, hay làm lại cuộc đời, mà cần giúp đỡ thì không có lý gì lại từ chối cả. "Cứu được mạng người phúc đẳng hà sa", "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại", tôi chỉ sợ mình không có tiền để mà giúp đỡ họ thôi".
>> Tám tháng van nài đòi nợ 15 triệu đồng
Đó là quan điểm của độc giả Nguyenhoa xung quanh câu chuyện "có nên cho người thân mượn tiền?". Trong cuộc sống, bạn bè hay người thân có thể tìm đến bạn với lời đề nghị giúp đỡ. Họ muốn bạn cho họ vay tiền để giải quyết vấn đề của mình. "Có nên cho vay tiền không?", đó là câu hỏi khiến nhiều người không khỏi bối rối. Bạn muốn trở thành người tốt, giúp đỡ bạn bè khi có thể song lại sợ việc cho người thân vay tiền có thể khiến mình gặp rắc rối.
Với quan điểm trái ngược về vấn đề này, bạn đọc 린등 lại nhấn mạnh sự tỉnh táo trước khi quyết định cho vay tiền, ngay cả với người thân: "Giúp người cũng phải có trí tuệ, đó là chân lý. Nhưng bạn phải hiểu đúng bản chất vấn đề ở đây. Người thân và gia đình đương nhiên quan trọng nhưng không phải chỉ giúp người thân và gia đình vô điều kiện, trong khi lại không giúp người ngoài xã hội. Thực tế, rất nhiều trường hợp anh chém em ruột và cháu vì không chịu trả nợ. Nếu không tỉnh táo, bạn rất dễ bị rơi vào 'tư duy bộ lạc'.
Vấn đề là người hỏi vay bạn là người như thế nào và trong hoàn cảnh nào? Ví dụ cùng là chuyện vay tiền mua đất, nhưng:
1. Người mua đất chỉ mua một mảnh làm kế sinh nhai, có khả năng trả nợ (có công việc, thu nhập hoặc tài sản thay thế...), trung thực, ngay thẳng: bạn chẳng có lý do gì lại không giúp họ cả.
2. Người mua đất nhưng không có khả năng chi trả (người hão huyền, tâm cao nhưng lực thấp). Nếu giúp họ, có thể bạn sẽ gặp bất lợi hoặc đẩy họ nhanh đến đường cùng, vậy tại sao phải giúp?
3. Người mua đất nhưng không trung thực. Nếu bạn giúp sẽ chỉ làm họ mạnh thêm và cái tính xấu cũng tăng thêm.
4. Người mua đất trung thực, nhưng là để kinh doanh kiếm lời. Nếu giúp, bạn phải yêu cầu người đó chia sẻ lợi ích.
Tóm lại, nếu bạn cho ai đó vay tiền, hãy xác định mất luôn khoản đó trong trường hợp xấu nhất. Mất ở đây là có nhiều nguyên nhân chứ không phải do họ quỵt nợ, ví dụ như họ mất khả năng chi trả, qua đời... Nếu muốn chắc chắn, tốt nhất bạn phải lập thành bằng chứng như văn bản, có cả vợ chồng ký tên. Nói cách khác, để có trí tuệ, bạn phải: hiểu biết quy luật xã hội, tự nhiên; hiểu biết pháp luật; hiểu biết đạo lý; và biết cách nhìn người. Giúp người là phải có tình, có lý, phải đúng và phải đáng. Giúp người vô lý là hại người, hại mình.".
Việt Thành tổng hợp
>> Bạn có sẵn sàng cho người thân vay tiền? Chia sẻ tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.