"Món chay và món chay giả mặn là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Món chay làm từ các loại ngũ cốc thì tốt cho sức khỏe. Nhưng khi trộn thêm các loại hóa chất, gia vị để biến thành tôm giả, giò giả, thịt giả... thì khó mà nói nó có thật sự tốt cho sức khỏe hay không?
Tôi cực dị ứng với kiểu 'ăn chay vọng mặn'. Đã ăn chay rồi mà tư tưởng vẫn nghĩ đến món mặn, nên mới sinh ra những món giả mặn. Và đó chắc chắn không gọi là ăn chay. Mọi ngày, bữa ăn của tôi vẫn hoàn toàn không có thịt, nhưng tôi cũng không dám gọi đó là ăn chay. Ví dụ, tôi chọn món đậu phụ luộc hay rán, đơn giản vì ăn ngon và giúp thay đổi thực đơn cho phong phú, chứ chẳng phải vì thứ gì đó to tát".
Đó là quan điểm của độc giả Sông Đông êm đềm khi các thực phẩm chay ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt là trong mùa Vu Lan này. Theo các tiểu thương, doanh số bán đồ chay từ đầu tháng 7 âm lịch đã tăng gấp đôi so với ngày thường. Mặt hàng chay cũng ngày càng đa dạng hơn như chả chay, há cảo chay, và bánh giò chay, pate chay, dimsum chay...
Đồng quan điểm, bạn đọc Jen lo ngại trước vấn đề sức khỏe người tiêu dùng khi việc chế biến thực phẩm chay sử dụng nhiều gia vị: "Hôm trước tôi xem video hướng dẫn nấu món chay của một đầu bếp nổi tiếng. Theo đó, chỉ 100 gram nấm mà họ cho vào một muỗng đường, một muỗng bột nêm, một muỗng nước đường thắng, một muỗng nước mắm... Tôi không biết là họ ăn nấm hay ăn gia vị nữa? Bản thân tôi là fan của món ăn thanh đạm, chỉ ăn vị thuần túy của thực phẩm và hạn chế tối đa nêm nếm gia vị. Thê nên, sau khi xem xong video nấu món chay trên mà tôi thấy sợ luôn".
>> Nhập viện vì ai đồn gì tốt là ăn cật lực
Theo Euromonitor International, thị trường thực phẩm chay tại Việt Nam ước tính đạt khoảng 1 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến tăng trưởng 10-15% mỗi năm. Báo cáo từ Nielsen cũng cho thấy khoảng 7% người tiêu dùng Việt Nam hiện ăn chay hoặc ăn chay một phần, và con số này sẽ tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, nói về các món chay giả mặn, độc giả Tuyetmainct thừa nhận: "Tôi rất ghét ăn món chay kiểu giả mặn vì cảm giác đầy sự giả dối trong đó. Đã còn muốn ăn vị món mặn thì cứ ăn bình thường, sao phải khổ? Tôi thấy món chay không cần phải làm giả mặn cũng vẫn ngon. Ăn thuần chay như vậy tôi thấy tâm mình thanh thản hơn".
"Nói về góc độ môi trường thì ăn những loài động vật như heo, bò, gà... không ảnh hưởng gì đến môi trường, miễn sao chúng ta đừng ăn các loài vật quý hiếm, động vật cấm săn bắt là được. Còn về góc độ tâm linh thì đã ăn chay mà còn giả thịt thì cho dù nguyên liệu không từ động vật nhưng trong tâm bạn vẫn không 'chay' rồi", bạn đọc Quang Tran nói thêm.
Trong khi đó, với suy nghĩ thoáng hơn vè đồ chay giả mặn, độc giả Newway phản biện: "Thật ra, nghĩ thoáng một chút thì chay giả mặn là một hình thức khuyến khích ăn chay đối với ai chưa quen. Dần dần họ sẽ thích nghi với việc ăn chay thuần sau này. Cũng như một đứa bé, mới sinh ra chỉ uống sữa, dần dà lớn lên mới biết ăn cơm này nọ. Miễn là đồ chay giả mặn đó không chứa các chất nguy hiểm, hại sức khỏe người tiêu dùng thì tôi nghĩ chẳng có vấn đề gì cả".
- Ăn uống thế nào là văn minh?
- Thói ăn uống 'lạ' của nhiều người Việt
- Khách cắm đũa vào lọ giấm của quán phở để tiệt trùng
- Tôi ăn hơn 250 gói mỳ ăn liền mỗi năm
- 'Ác cảm với người ăn thịt chó, mèo'
- Cả Tết ăn đồ thừa