Kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của người Việt còn rất thấp. Hầu hết mọi người đều không được học, thiếu hiểu biết và chỉ dùng mắt để nhìn xem thứ gì đó "có sạch hay không?". Chỉ cần thấy không dính đất, cát thì cho rằng là sạch chứ không hề nghĩ tới vi khuẩn không thể nhìn được bằng mắt thường.
Nhiều khi hay ăn vặt, thấy thèm cái gì là chúng ta lập tức bốc ăn dù không đúng bữa, tay bẩn thì xoa xoa vài cái vào quần áo rồi cứ thế bốc vì lười rửa. Nhiều người còn quan niệm rằng "ăn bằng bát đũa, chứ có ăn bằng tay không đâu" nên tự cho phép mình không cần rửa tay.
Điều thứ hai là vấn đề bảo quản thức ăn. Có cái lạ là đi siêu thị, người ta cứ đòi hỏi phải lựa đồ có ngày sản xuất mới nhất, hạn sử dụng lâu nhất: nếu có hai gói thức ăn giống hệt nhau, mà một gói hạn dài, một gói hạn ngắn hơn thì phải chọn cho được gói có hạn dài dù đằng nào cũng ăn ngay. Thế nhưng, khi ra chợ mua đồ, không thấy nhãn mác, hạn sử dụng, chính những người ấy lại không cần hỏi, cứ thế mua và về để trong tủ từ ngày này qua tháng khác, vẫn ăn uống như thường. Thậm chí, đồ khô bị mốc, nhiều người cũng rửa đi để ăn cho đỡ phí.
Không ít người thấy đồ của nhà máy, công ty làm thì "soi" từng chút hạn sử dụng, nhưng đồ nhà mình làm ra để tủ lạnh thì cho rằng có thể để "vô thời hạn". Thêm nữa, nhiều người mua đồ ăn về, tình trạng thực phẩm thế nào thì về để nguyên như vậy tống vào tủ lạnh. Có những thứ cần bọc kín lại hoặc cho vào chai, lọ, hộp thì họ không làm vì ngoài chợ thường bán đồ không bọc. Có những thứ cần phải bỏ bớt bao bì giấy báo gói thì lại không làm.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.