Theo một báo cáo thống kê mới đây của WINA, trong 3 năm trở lại đây (2020 đến nay), Việt Nam luôn được xếp vào top 3 quốc gia có tổng sản lượng tiêu thụ mỳ ăn liền nhiều nhất thế giới. Năm ngoái, Việt Nam tiêu thụ gần 8,5 tỷ gói, tức xét theo đầu người, một năm mỗi người Việt có 85 lần ăn mỳ - đứng đầu thế giới về khẩu phần ăn loại thực phẩm này. Tại sao người Việt lại ăn nhiều mỳ gói đến như vậy dù ai cũng biết rằng loại thực phẩm này chứa nhiều thành phần không tốt cho sức khỏe?
Có người nói rằng, vì người Việt nghèo nên đa phần chọn ăn mỳ gói để tiết kiệm tiền. Cá nhân tôi không thật đồng tình với quan điểm này. Tôi cũng là một người thường xuyên ăn mỳ gói. Trung bình mỗi tuần tôi ăn năm gói mỳ ăn liền vào buổi sáng (từ thứ hai đến thứ năm), nghĩa là một năm trung bình tôi có không dưới 250 lần ăn mỳ. Chỉ duy nhất hai ngày nghỉ cuối tuần là tôi đổi món khác mua bên ngoài như xôi, bún, phở, bánh mỳ.
Có phải vì tôi nghèo nên phải ăn mỳ thường xuyên như vậy? Xin khẳng định là không. Tôi chưa bao giờ ăn mỳ với mục đích tiết kiệm tiền. Tôi đang đi làm văn phòng, công việc ổn định với mức lương trên dưới 20 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền đó đương nhiên dư sức để tôi ăn uống đầy đủ mà không quá phải lo nghĩ đến chuyện tiền bạc. Nhưng tôi vẫn chọn ăn mỳ mỗi sáng trước khi đi làm vì một lý do khác, đó là để tiết kiệm thời gian.
Tôi nghĩ rằng, yếu tố nhanh và tiện lợi (ăn liền) mới chính là lý do khiến nhiều người Việt chọn mỳ gói là món ăn thường xuyên của mình. Như tôi hiện tại luôn phải bắt đầu làm việc tại văn phòng từ 7h30 sáng. Trừ hao thời gian phải tiêu tốn cho việc di chuyển trên đường mỗi sáng trong cảnh tắc đường triền miên, tôi luôn phải bước ra khỏi nhà từ 6h30. Thế nên, thời gian để tôi ăn sáng trước khi đi làm là rất ít ỏi và ăn mỳ gói là cách nhanh nhất để tôi tiết kiệm thời gian buổi sáng của mình.
Thói quen sinh hoạt của tôi là thức dậy vào lúc 5h45. Sau đó, tôi lao ngay xuống bếp, trụng qua mỳ gói bằng nước sôi để loại bỏ phần dầu mỡ không tốt cho sức khỏe. Tiếp đó, tôi úp mỳ gói cùng một quả trứng gà. Trong thời gian đợi mỳ chín, tôi tranh thủ đi vệ sinh cá nhân. Khi mỳ chín, cũng là lúc tôi vừa xong và ngồi vào bàn ăn. Ăn xong, tôi lại lập tức mặc quần áo và dắt xe đi làm cho kịp giờ điểm danh.
Tôi nghĩ rằng, phần đông người Việt hiện nay cũng ở trong tình trạng giống tôi. Khi quỹ thời gian quá eo hẹp vì chúng ta đang phải làm việc nhiều hơn các quốc gia khác, khi tình trạng giao thông ở các thành phố lớn luôn là cơn ác mộng với những người phải ra đường vào giờ cao điểm, khi thức ăn đường phố còn nhiều dấu hỏi về vệ sinh an toàn thực phẩm... thì việc lựa chọn ăn mỳ gói vẫn sẽ luôn là điều khả dĩ nhất.
Ăn nhiều mỳ gói có tốt không? Tất nhiên là không, thậm chí tôi biết rằng nó sẽ gây hại cho sức khỏe về lâu dài. Nhưng thử hỏi nếu không ăn mỳ gói thì những người bận rộn như tôi biết ăn gì để đảm bảo thời gian biểu mỗi ngày? Thế nên, thay vì chê bai những người ăn nhiều mỳ gói là thiếu suy nghĩ cho sức khỏe bản thân, là thói quen ăn uống tùy tiện, muốn người Việt giảm bớt lượng tiêu thụ sản phẩm ăn liền này, chúng ta cần giảm giờ làm, cải thiện tình trạng giao thông và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước đã.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.