Tôi rất đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết "Bảo hiểm dễ bán vì thổi phồng lợi ích, đánh tráo khái niệm". Bản thân tôi cũng là một nạn nhân của các tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ. Năm nay, tôi quyết định sẽ tất toán toàn bộ ba hợp đồng bảo hiểm mà gia đình đã mua. Dù lỗ hơn 100 triệu đồng sau khi đóng bảo hiểm hơn 5 năm, nhưng tôi sẽ coi như đó là bài học cho mình vì biết rằng càng đóng sẽ càng lỗ nhiều hơn, dù cho có đóng hết hợp đồng.
Đồng ý rằng, lỗi đầu tiên của những người như tôi là đã không tìm hiểu kỹ về sản phẩm trước khi mua bảo hiểm, chỉ tin tưởng tuyệt đối vào lời của tư vấn viên. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là người tư vấn, bán bảo hiểm không có trách nhiệm gì trong câu chuyện này. Người bán hàng (cung cấp dịch vụ) mà lại tư vấn không rõ ràng, cố tình bỏ qua những thông tin quan trọng hoặc nói sai thông tin để dụ dỗ khách hàng đặt bút ký vào hợp đồng thì lỗi này còn lớn hơn nhiều.
>> 'Bỗng dưng thành con nợ bảo hiểm'
Nhìn ở một góc độ xa hơn, việc để các nhân viên tư vấn làm sai, làm ẩu cũng có trách nhiệm của các công ty bảo hiểm khi không đào tạo nghiêm túc, vô ý hoặc cố tình để nhân viên của mình chạy theo lợi nhuận, để rồi lại chối bỏ trách nhiệm với khách hàng khi nhân viên đó đã nghỉ việc.
Ở đây, tôi cho rằng không thể đổ lỗi cho người mua bảo hiểm quá ham lời nên mới dính bẫy, vì tâm lý ai đi mua hàng cũng muốn mua được sản phẩm tốt nhất, có lợi nhất theo lời tư vấn của người bán mà thôi. Mong muốn tiền sinh lời là hoàn toàn chính đáng, nhất là khi bạn được các tư vấn viên bảo hiểm tuyên bố chắc nịch rằng sẽ có lời.
>> Sập bẫy mua bảo hiểm vì muốn kiếm lời
Cá nhân tôi cũng hiểu rằng đã là bảo hiểm thì khó hy vọng lời nhiều. Thậm chí, tôi còn xác định trước là chắc chắn sẽ lỗ đôi chút vì tiền lời sinh ra còn phải bù cho lạm phát, cũng như chi trả cho bên bảo hiểm để họ bảo vệ cho mình khi có rủi ro, đó là phần mà công ty xứng đáng được nhận. Thế nên, dù nhân viên tư vấn bảo hiểm có nói rất nhiều về khoản lợi nhuận cao hơn lãi gửi tiết kiệm ngân hàng thì tôi cũng chỉ kỳ vọng sau 15 năm, khi đáo hạn hợp đồng bảo hiểm, số tiền tôi nhận lại chỉ cần ngang bằng khoản tôi đã nộp đã là vui lắm rồi.
Nhưng thực tế, dù tôi có đóng bảo hiểm liên tục, đều đặn tới 15 năm theo hết hợp đồng thì cuối cùng vẫn lỗ trên tiền gốc một khoản không nhỏ chút nào. Tôi chấp nhận tốn mỗi năm vài triệu đồng để mua bảo hiểm nhưng mọi thứ phải thực sự rõ ràng ngay từ đầu. Chứ tôi không thể chấp nhận sự lừa dối hay cố tình đánh tráo khái niệm, làm sai lệch thông tin, khiến khách hàng hiểu nhầm, kỳ vọng sai. Mất vài triệu có thể không phải số tiền quá lớn những khi bạn đánh mất niềm tin của khách hàng thì đó sẽ lại là một câu chuyện rất khác
Khi có rủi ro thì bảo hiểm sẽ rất quan trọng, nhưng vấn đề là nhiều người đang cảm thấy mất niềm tin vì bị lừa gạt, tất cả bắt nguồn từ cách tiếp cận khách hàng để bán bảo hiểm và thông tin hợp đồng mà tư vấn viên cũng như bên công ty bảo hiểm cung cấp. Bạn đi mua hàng không xem kỹ hàng là lỗi của bạn, nhưng nếu trong đó có cả lỗi do người bán thông tin không chính xác và công ty cũng làm ngơ trước hành động sai của nhân viên, miễn là bán được nhiều, thì bạn có còn muốn quay lại mua không?
Tóm lại, thực ra không phải người mua bảo hiểm tự nhiên đòi hỏi phải có lời một cách phi lý, mà là do họ được tư vấn là có lời nên mới sinh ra kỳ vọng. Giống như khi bạn mua đồ được tư vấn mua sản phẩm sẽ có quà tặng giá trị, nhưng khi mua xong thì công ty bán hàng bảo rằng hết quà và không tặng bạn nữa, thử hỏi bạn có thấy hụt hẫng, mất niềm tin không? Thế nên, nói đi cũng phải nói lại, trong câu chuyện sập bẫy bảo hiểm thời gian qua, cần phải làm rõ trách nhiệm của nhân viên tư vấn và các công ty bảo hiểm để trả lại niềm tin nơi khách hàng.
Nguyen Tri Thuc
>> Bạn có gặp rắc rối với hợp đồng bảo hiểm? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.