Tôi học chuyên ngành Xây dựng cầu của một trường đại học. Tốt nghiệp cấp ba, lấy bằng đại học, kiếm một công việc ổn định, sau đó kết hôn... đó là kế hoạch tôi vạch ra cho cuộc đời mình, cũng giống như hầu hết của mọi người. Nhưng thực tế lại đặt ra cho tôi nhưng mông lung khi đứng trước ngã tư đường, đi thẳng tốt, hay rẽ ngang mới tốt? Tôi tốt nghiệp đại học nhưng lại thiếu quá nhiều thứ, không biết mình phải làm gì đầu tiên khi cầm bằng trong tay: làm thiết kế, thi công, hay kiểm định? Tôi không thể tự trả được câu hỏi đấy.
Tốt nghiệp đại học vào tháng 8/2018, tôi đi làm bồi bàn trên phố cổ Hà Nội, chủ yếu là công việc tay chân, làm từ 18h đến 2h đêm, đôi lúc cuối tuần là tới 3-4h sáng. Công việc này cho tôi thu nhập khá, khoảng 12 triệu mỗi tháng. Trong lúc làm bồi bàn, tôi học mót tiếng Anh đường phố vì nhỡ biết đâu dùng đến. Sau đó, tháng 5/2019, tôi làm việc văn phòng cho một công ty xây dựng.
Giai đoạn một (thời gian 4 tháng), công việc đầu tiên của tôi là tìm hiểu làm về hồ sơ thầu, đọc bản vẽ, bóc tách khối lượng, vẽ bản tiến độ thi công... Mới ra trường, tôi vẫn được các anh đi trước giao cho trọng trách gặp chủ đầu tư để ký tá, thi thoảng lên phòng quản lý đô thị lấy công văn, giấy tờ cho sếp, kết thúc hồ sơ văn phòng.
Giai đoạn hai (thời gian 4 tháng), tôi làm kỹ thuật hiện trường, trực tiếp chỉ đạo thi công cùng một người em mới tốt nghiệp, được các anh đi trước hướng dẫn làm chi tiết. Có khá nhiều sự cố đã xảy ra, từ việc khó nhất là công tác giải phóng mặt bằng, tôi phải cùng Trưởng thôn, Bí thư đi vận động từng nhà để giải phóng mặt bằng; đến việc số gạch chuyển đến xây rãnh bỗng nhiên bị hao hụt khá nhiều, rồi đến sắt, xi măng... Có người ngỏ ý với chung tôi làm ngơ cho họ lấy chút, kiếm vài đồng uống nước, nhưng chúng tôi quyết nói "không" và để ý kỹ hơn đống vật tư của công ty.
Tôi đi làm cả nửa năm, tích góp đủ trả nợ cũ (mua thêm được chiếc điện thoại trả góp) và Tết về có 8 triệu đồng tiền tiêu, không đưa được cho mẹ đồng nào. Nhiều lúc, tôi cũng chán nản vì nghĩ mẹ cho ăn học, nay đi làm về không đưa được đồng nào. Nhưng rồi tôi lại tự an ủi rằng "người ta còn báo nợ đầy kia kìa, chẳng qua mình chưa có để đưa chứ không phải là không đưa. Dù sao có đưa thì bố mẹ cũng muốn giữ cho con cái", nên tôi nghĩ việc "giữ tiền" mình làm tốt hơn ai hết, và đành thôi.
>> Tôi bỏ Đại học hai năm để định hướng lại tương lai
Xong công trình, tôi nghỉ làm ở đây, và chính thức gia nhập đội quân thất nghiệp. Thời gian này, chính tôi cảm thấy công trường (nghề kỹ thuật tôi được đào tạo) không thuộc về tôi. Có lẽ tôi hợp về một nơi nào khác? Tôi xuống Hà Nội ngày mùng 10 Tết âm lịch, ở nhờ người bạn cùng lớp đại học, đem theo số tiền ít ỏi và 500 nghìn đồng mẹ cho để đi tìm công việc khác. Gửi email khắp nơi, phỏng vấn một hai chỗ, cuối cùng cũng có nơi nhận tôi vào làm ở một khách sạn trên phố cổ.
Nhờ có chút vốn tiếng Anh học mót, tôi xin làm lễ tân khách sạn với mức lương khởi điểm năm triệu đồng (chưa tính thưởng và hoa hồng bán vé du lịch. Công việc chính của tôi là đón khách, làm thủ tục, nhập thông tin khách hàng từ passport vào máy tính, tư vấn bán tour du lịch. Khách ở đây chủ yếu là Tây "ba lô", thi thoảng gặp mấy người khách nước ngoài hào phóng tip thêm đôi chút khiến tôi cũng thấy vui, có thêm động lực để làm nghề phục vụ. Thế nhưng, làm chưa được bao lâu thì dịch bệnh Covid-19 ập đến. Mọi hoạt động kinh doanh dịch vụ bị tạm dừng, tôi lại thất nghiệp lần hai.
Sau đó, tháng 5/2020, tôi xin vào làm việc tại một công ty vận tải, phụ trách mảng điều phối xe tải, tư vấn ký hợp đồng vận chuyển trọn gói. Công việc này khiến tôi thấy khá thoải mái về thời gian, đồng thời cũng mang lại một khoản thu nhập gấp 1,5 lần so với làm kỹ thuật. Tôi thấy rất thích công việc hiện tại và luôn tìm cách làm sao để có khách hàng, ký được hợp đồng với giá tốt, kiêm thêm mảng buôn bán đồ cũ, nội thất, tủ lạnh, máy giặt...
Có thể thấy, đại học không phải là con đường duy nhất để chứng tỏ bản thân. Tôi bỏ cuộc, không phải vì tôi kém cỏi, mà chỉ là tôi đang tìm cho mình một điểm xuất phát mới, một hướng đi mới phù hợp hơn. Chúc các bạn và cả bản thân tôi, dù đã đi làm hay còn đi học, hãy kiên trì, cam đảm đối mặt. Chúc cho chúng ta sẽ là phiên bản tốt hơn trong tương lai vì ''cánh của này đóng lại, sẽ có cánh của khác mở ra". Đừng ngại cho mình một khởi đầu mới bởi cuộc sống này sẽ luôn cho ta cơ hội thứ hai.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.