Chia sẻ xung quanh câu chuyện giáo dục đại học và chất lượng sinh viên sau tốt nghiệp, độc giả David Tèo cho rằng không nên thành kiến với những người mới ra trường chỉ vì giỏi lý thuyết hơn thực hành:
"Tôi xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện:
Năm 2002, tôi làm thuyền trưởng một tàu chở nhiên liệu 800 tấn (tôi có bằng bổ túc H1). Trên tàu có một cậu thuyền phó tập sự, là sinh viên mới tốt nghiệp trường Hàng Giang cũ (trường Đường Thủy ngày nay). Nói về lý thuyết, cậu ấy giỏi hơn tôi vì học chính quy. Nhưng về thực tế điều khiển tàu, cậu ấy kém xa thủy thủ lâu năm (không có bằng lái tàu) của công ty.
Nhưng sau sáu tháng dưới sự chỉ bảo của tôi và thuyền phó, cậu ấy đảm nhiệm được một ca lái bốn tiếng mà không cần có tôi bên cạnh. Đến nay, cậu ấy đã làm thuyền trưởng được tám năm và là một trong những tài công giỏi của công ty. Tôi nghĩ, khi mới ra trường, ai cũng như cậu ấy thôi. Khi đã có sẵn kiến thức học từ trường, cộng thêm sự chịu khó học hỏi, sinh viên sẽ tiến bộ rất nhanh. Hãy tin tưởng và đừng thành kiến với họ".
Đồng quan điểm, bạn đọc Thích Thịt Chó cho rằng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho sinh viên đại học vì thiếu kỹ năng thực hành:
"Trường lớp là một chuyện, nếu được học cái cơ bản, lý thuyết cộng thêm ham học hỏi, chịu khó thì sinh viên sẽ tiến bộ rất nhanh. Vì có lý thuyết vững, lại chăm luyện tập thực tế, kết hợp lại sẽ rất tốt. Tôi thấy vấn đề sinh viên hiện nay không thể đổ lỗi hoàn toàn cho giáo dục, mặc dù chưa hoàn hảo. Thực tế, đa số những người sếp hoặc những bậc tiền bối đi trước không có ý thức tận tình dìu dắt, khiến sinh viên mới ra trường chán nản, không tìm ra hướng đi. Hoặc tự bản thân người học không có tinh thần ham học hỏi nên chưa bắt kịp thực tiễn...".
Chia sẻ về công tác tuyển dụng sinh viên mới ra trường ở nước ta hiện nay, độc giả Bao Đồng làm phép so sánh:
"Tôi thấy chỉ có ở ta mới phàn nàn nhân viên không biết làm việc, bởi vì các ông chủ Việt hy vọng đạt được lợi ích cao và ngay lập tức với số chi phí (lương) và phí đầu tư (đào tạo) thấp nhất có thể. Đại học ở các nước tiên tiến cũng chẳng dạy thực hành, trừ một số ngành nghề đặc thù. Thế nhưng các công ty nước ngoài không hề phàn nàn gì, vì họ biết "tiền nào của nấy". Người sử dụng lao động thấy không hài lòng có thể đuổi việc, thay người khác. Đó là quy luật cung cầu. Người giỏi biết làm cũng không thiếu, tại sao họ không vào công ty bạn? Các tập đoàn hàng đầu cũng toàn tuyển sinh viên mới ra trường, nhưng tôi không thấy họ phàn nàn gì".
Lấy dẫn chứng từ môi trường giáo dục đại học tại một nước phát triển là Pháp, bạn đọc H@rd bày tỏ quan điểm:
"Đại học ở Pháp chỉ tập trung đào tạo nghiên cứu gia (chercheur), chứ không phải người làm việc. Ra trường. Sinh viên mới đi làm sẽ không biết gì hết nếu họ chưa có dịp đi thực tập hè ở hãng xưởng trong bốn, năm năm học. Lúc mới vào làm việc, phần đông người mới sẽ được huấn luyện hoặc thực tập lên tới một năm. Ví dụ như hãng vỏ xe Michelin, trước khi được làm sếp nhỏ, những người này phải làm việc từ công nhân tới đội trưởng trong nhiều đơn vị để biết cách hoạt động của hảng. Sau một năm, có hiểu biết về mỗi công việc từ nhỏ tới lớn, họ mới được đề bạt lên chức vụ cao hơn".
Đề cao tầm quan trọng của người tuyển dụng trong việc quyết định chất lượng lao động, độc giả Kaka cho rằng:
"Thông thường, người có tầm và có tâm luôn có thiên bẩm về sự phạm. Còn người yếu kém lại hay thành kiến và ít có cái nhìn bao dung với thế hệ sau. Thêm nữa, khi người ta đứng trên ngọn đồi nào đó, họ luôn cho rằng mình đã ở đỉnh cao và được phép khinh thường người đang tập leo đồi núi. Họ không biết rằng, sau này những người đó có thể trở thành vận động viên leo núi chứ không chỉ leo đồi".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.