Tôi là một người đi ôtô, tham gia giao thông trên đường mỗi ngày. Thú thực, ở Việt Nam, người có ý thức, không muốn chen lấn cũng rất khó. Bản thân tôi mỗi khi lái xe đều rất cố gắng giữ bình tĩnh, điềm đạm, luôn đi đúng làn và cố gắng giữ khoảng cách an toàn với các xe đi trước, kể cả những lúc đường đông. Vì tôi nghĩ nếu ai cũng đi theo thứ tự, có hàng lối, thì dù có hơi ùn ứ một chút nhưng rồi sẽ thông chứ không bị kẹt cứng.
Thế nhưng, chính vì thói quen lái xe như vậy mà tôi thấy mình lạc lõng trên đường. Tôi để ý, cứ mỗi khi mình chủ động đi chậm theo hàng, chừa một khoảng trống để đảm bảo an toàn với các xe chạy trước là y như rằng rất nhiều người đi xe máy lập tức tạt đầu, chen vào khe hở để luồn lách và tìm cách vượt lên. Họ cứ thế nối đuôi nhau len lỏi, "nêm" chặt vào từng khoảng trống trên đường, đến lúc không còn nhúc nhích được nữa mới thôi.
Lắm lúc, tôi để ý thấy phía làn xe máy đang kẹt cứng, thế nhưng hàng đoàn người phía sau chẳng chịu xếp hàng. Thay vào đó, họ lách lên vỉa hè, lao vun vút để cố vượt lên trên. Tới gần ngã tư, họ lại kéo nhau lao từ trên vỉa hè xuống đường, rồi dồn một đám lại phía phần đường dành cho người rẽ phải. Vậy là, từ ùn ứ cục bộ, họ khiến nguyên cả con đường kẹt cứng, ai muốn rẽ cũng không rẽ được dù có tín hiệu đèn ưu tiên.
>> Cần phạt nguội 164 xe máy vượt đèn đỏ trong hai phút ở Hà Nội
Còn tôi, nhiều khi vì cứ đi theo thứ tự, nhích từng chút một trên đường nên hai, ba nhịp đèn vẫn chưa thoát được khỏi ngã tư, cứ đứng im nhìn đoàn người phía sau len lỏi vượt lên hết. Đúng nghĩa là "trâu chậm uống nước đục". Những lúc như thế, tôi lại thấy rất nản. Tại sao người tuân thủ luật giao thông, lái xe có ý thức lại luôn bị thiệt thòi, còn người khôn lỏi, đi ẩu, sai luật lại luôn được nhanh hơn?
Dù không có ý so sánh, chê bai, nhưng tôi phải thừa nhận một điều rằng hầu hết người đi xe máy đều luôn tìm cách chen lấn để được đi trước, trong khi người lái ôtô phần lớn vẫn có ý thức đi đúng luật hơn. Có thể một phần vì đặc điểm của xe máy nhỏ gọn, dễ luồn lách, chiếm số lượng đông đảo nhất trên đường, cộng thêm ý thức kém của người chạy xe (một phần do thi lấy bằng lái dễ dàng) nên người ta cứ mặc sức đi bừa, đi ẩu. Lực lượng CSGT thì luôn mỏng hơn nhiều người đi xe máy vi phạm giao thông, nên họ vẫn chẳng sợ hãi gì.
Bản thân tôi vốn luôn tự dặn lòng phải thật bình tĩnh, nhưng mỗi ngày đi đường đều chịu thiệt thòi, ức chế vì những người đi sai luật, nên dần dần cũng thấy nản lòng. Chẳng trách mà nhiều người khác chấp nhận bị tha hóa, từ bỏ ý thức để "hòa mình" vào đám đông vi phạm giao thông. Thế nên, càng ngày, đường phố càng thêm hỗn loạn, ai cũng chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân, sợ bị bỏ lỡ (tâm lý FOMO) nên cứ đua nhau lấn làn, vượt ẩu.
Có người hỏi liệu Việt Nam có thể "kẹt xe ngăn nắp" như nước ngoài hay không? Tôi nghĩ điều đó vừa dễ mà cũng vừa khó. Nó hoàn toàn nằm trong tầm tay của chúng ta, nhưng vấn đề là ai sẵn sàng từ bỏ lợi ích cá nhân để chung tay vì một giao thông Việt Nam ngăn nắp, trật tự?
- Mở cửa ôtô - 'ba người nhạy cảm, một người thoát chết'
- Nỗi sợ ra đường gặp 'hung thần' xe máy điện
- Thói quen chạy xe máy 'hở là vượt'
- 'Chạy ôtô trên cao tốc bằng tư duy xe máy'
- Thói quen chạy bạt mạng trên cao tốc của tài xế Việt
- Dòng xe lao qua bất chấp khi bé trai giơ tay xin nhường đường