Theo dõi đoạn video ghi lại cảnh người đi xe máy bị kẹp giữa ôtô và xe ben vì cố vượt ôtô cùng chiều chạy phía trước, tôi liên tưởng ngay đến thói quen chạy xe máy của nhiều người Việt. Chạy xe trên đường, không ít lần tôi tận mắt chứng kiến kiểu vượt ẩu như vậy. Thay vì chạy đúng làn, quan sát kỹ hai bên và trước sau, đảm bảo an toàn rồi mới cho xe vượt lên xe khác, nhiều người ở ta chọn cách len lỏi giữa các khoảng hở để chen lên ngay, bất kể phía trước họ là những chiếc xe tải, xe bồn cao hơn tới vài mét.
Về nguyên tắc, khi vượt xe, các xe phải vượt về bên trái (chỉ một số trường hợp mới được vượt về bên phải) và phải đảm bảo các điều kiện:
- Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.
- Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.
- Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.
Lý thuyết là thế, nhưng trên thực tế, hầu hết người đi xe máy ở Việt Nam lại chọn một cách nhanh và tiện hơn, đó là thấy khoảng hở nào phía trước là chen ngay vào, luồn lách giữa làn ôtô, miễn sao để đi nhanh nhất có thể. Họ không chờ xe phía trước nhường đường, không bận tâm phía sau có xe nào đang lao tới hay không. Sự an toàn của họ được phó mặc cho hai chữ "may rủi" - một suy nghĩ thực sự rất nguy hiểm cho chính bản thân họ và những người xung quanh.
>> Chạy ôtô trên cao tốc bằng tư duy xe máy'
Một vấn đề nữa là thói quen sử dụng gương chiếu hậu còn rất xa xỉ với nhiều người. Tôi từng thắc mắc với một nữ đồng nghiệp của mình khi thấy gương chiếu hậu bé xíu (chỉ cỡ 5x10 cm) trên xe máy của cô cụp hẳn xuống dưới đất, không có giá trị để quan sát. Nghe vậy, cô gái cười trừ, phân bua rằng "lắp gương chủ yếu để CSGT đỡ phạt, chứ có bao giờ nhìn vào đó đâu". Thực ra, đó là suy nghĩ chung của phần nhiều người tham gia giao thông ở ta.
Tâm lý lười quan sát gương chiếu hậu, sẵn sàng tạt ngang tạt dọc mà không cần quan sát phía sau, không muốn thắng xe để dừng hẳn, tìm mọi cách để luồn lách, điền vào chỗ trống... của đa số người đi xe máy chính là một trong những nguyên nhân khiến tai nạn giao thông vẫn luôn là một vấn nạn trên đường Việt. Tiếc rằng rất nhiều người lại không ý thức được mức độ nguy hiểm trong hành động đó của mình. Để rồi khi va chạm xảy ra, họ vẫn khăng khăng cho rằng mình đúng vì đã bật xi nhan trước khi vượt.
Mong rằng, từ những vụ việc thế này, mỗi người đi xe máy khi ra đường sẽ nâng cao được ý thức của bản thân, chậm lại vài giây để quan sát trước mỗi lần vặn ga. Đó là việc cần thiết để bạn không phải trả giá vì chính những hành động tùy tiện của mình.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.