Trong lúc lướt mạng xã hội, tôi tình cờ xem được một đoạn video ghi lại cảnh 164 phương tiện vượt đèn đỏ trong khoảng thời gian hai phút tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (Hà Nội). Nhóm vi phạm chủ yếu là người sử dụng phương tiện hai bánh như: xe máy, xe máy điện, xe đạp, xe đạp điện... với đủ các lứa tuổi (từ già tới trẻ) và giới tính (cả nam lẫn nữ). Đây quả thực là một con số khiến người ta phải giật mình vì ý thức tham gia giao thông của người dân thủ đô.
Là một người dân của Hà Nội, tham gia giao thông tại đây hơn 35 năm, tôi hiểu rất rõ thực trạng này. Con số thực tế về số người vi phạm giao thông tại các giao lộ, cụ thể là hành vi vượt đèn đỏ chắc chắn lớn hơn nhiều số liệu thống kê trong đoạn video trên. Vào bất cứ khung giờ nào, ở bất cứ đâu, cứ hễ có cơ hội là người ta vượt đèn đỏ, kể cả có hay không sự xuất hiện của lực lượng CSGT.
Chẳng nói đâu xa, mới sáng nay tôi cũng bắt gặp một trường hợp tương tự. Đó là khi tôi đang trên đường tới chỗ làm, đi qua ngã ba giao cắt giữa đường Láng và phố Yên Lãng (một giao lộ nhỏ). Tại thời điểm đó, có hai cảnh sát giao thông đang đứng làm nhiệm vụ phân luồng do khu vực này có lưu lượng phương tiện vô cùng cao vào giờ cao điểm. Dù đèn tín hiệu đang báo đỏ, bộ đếm thời gian ghi nhận còn khoảng 25 giây nữa, nhưng một nhóm bốn, năm phương tiện vẫn tiến vào giữa giao lộ để tìm cách băng qua làn xe đang cắt ngang.
>> Ba nhóm người ở ngã tư tắc cứng
Đó rõ ràng là hành vi cố tình vượt đèn đỏ bởi chẳng thể biện minh rằng đi sớm hơn người khác chỉ vài giây. Phát hiện ra hành vi vi phạm, một cảnh sát vội chạy đuổi theo nhóm người trên để chặn lại. Tuy nhiên, sức người không nhanh bằng máy móc, nhóm người vi phạm nhanh tay vít ga để chạy trốn khỏi lực lượng chức năng. Anh cảnh sát trẻ phải rất cố gắng mới tóm được vào đuôi xe của một cô gái trẻ. Thế nhưng, chưa kịp giữ lại thì cô gái bất ngờ ngoặt tay lái, phóng thẳng vào làn đường ngược chiều để bỏ chạy, hất văng đồng chí CSGT ra đường.
Cảnh tượng trên cũng chính là hình ảnh điển hình cho tình hình giao thông ở Hà Nội thời gian qua, khi vi phạm diễn ra mọi nơi, mọi lúc. Trong khi đó, số người vi phạm áp đảo hoàn toàn với lực lượng chức năng. Nhiều người tham gia giao thông với suy nghĩ "vi phạm theo số đông, CSGT có phát hiện cũng không bắt xuể, chắc sẽ chừa mình ra". Thực tế, dù có bung hết quân số ra đường, lực lượng chức năng cũng không đủ người để chặn bắt hết người vi phạm. Nhất là khi hầu hết trong số đó luôn sẵn sàng bỏ chạy bất chấp thay vì chấp nhận đứng im chịu phạt.
Nói vậy để thấy, ý thức lái xe của nhiều người Việt đang ở mức rất tệ, thậm chí càng ngày càng xuống thấp hơn. Tôi gặp nhiều người thường xuyên vượt đèn đỏ. Họ luôn có cả tá lý do để bao biện cho hành vi của mình: nào là "tranh thủ thấy đường vắng thì đi luôn cho tiết kiệm thời gian", "giờ cao điểm mà ai cũng xếp hàng chờ thì đến bao giờ mới đi được, khéo còn tắc hơn", "đi đường thấy thế nào tiện thì chủ động thôi, miễn không cản trở người khác là được"... Nói chung, hầu hết họ đều không ý thức được hậu quả của việc mình làm, nên dù biết sai luật vẫn cứ cố lách.
Câu hỏi là làm gì để giải quyết tình trạng này? Hô hào CSGT xuống đường chặn bắt vi phạm, như đã nói ở trên chắc chắn không phải cách làm hiệu quả bởi chênh lệch quá lớn về mặt con số. Thay vào đó, tôi cho rằng, cần sớm áp dụng công nghệ vào việc phát hiện và xử lý vi phạm giao thông, mà cụ thể là bằng camera giao thông.
Ngày nay, việc ghi hình biển số xe vi phạm, thậm chí là khuôn mặt người lái xe vi phạm không còn khó. Nếu sử dụng biện pháp này, kết hợp với tăng mức xử phạt nguội với những người vi phạm (nặng như lỗi nồng độ cồn), tước bằng lái, tịch thu phương tiện, đánh mạnh vào kinh tế, tôi tin người vi phạm sẽ chùn chân. Tại sao rất ít ôtô dám vi phạm giao thông? Cũng là vị tài xế sợ bị phạt nguội. Nếu 164 người đi xe hai bánh trong video trên bị xử lý phạt nguội triệt để, hiệu quả sẽ là vô cùng tích cực.
Ý thức không thể hình thành chỉ bằng hô hào, vận động mà phải dựa trên các quy định pháp luật nghiêm khắc và các hình thức xử lý mạnh tay. Chừng nào người đi xe hai bánh còn bị bỏ qua sai phạm (do số lượng vi phạm quá đông) thì tâm lý đi bừa, đi ẩu sẽ còn tiếp diễn. Lúc đó, dù đường sá có mở rộng đến đâu, giao thông công cộng có hiện đại cỡ nào, cũng chẳng thể cải thiện nổi ý thức người đi đường và chất lượng giao thông Việt.
- 'Bị mắng chửi vì phanh gấp khi đèn chuyển vàng'
- 'Bàn lùi phạt nguội xe máy vì thủ tục sang tên phiền hà'
- 'Phạt nguội xe máy trong tầm tay'
- Tâm lý 'nhờn luật' sau những đợt ra quân ồ ạt
- Người đi bộ cắt mặt ôtô, bắt tôi phải nhường đường
- Chạy ngược chiều né tắc đường - 'không thể trông đợi vào ý thức người đi xe máy'