Nhân bài viết "Đại học khiến tôi nhận ra trường chuyên lãng phí", tôi xin có một số ý kiến phản biện như sau:
Thứ nhất, trường chuyên là môi trường đặc thù dành cho các học sinh có đủ năng khiếu (tố chất) và đủ đam mê một môn học hay lĩnh vực nào đó (kể cả các trường chuyên về thể thao). Vào học trường chuyên thường là các bạn giỏi về lĩnh vực đó. Trường chuyên sẽ không chọn bạn mà việc chọn trường chuyên là do bạn hoặc gia đình chủ động nộp hồ sơ. Sau đó, trường tổ chức thi hoặc xét tuyển. Đến thời điểm được trúng tuyển, bạn và gia đình vẫn là người quyết định có học trường chuyên hay không?
Trong trường chuyên, lớp chuyên, thời lượng cho môn chuyên sẽ nhiều hơn hẳn so với các trường, lớp bình thường khác, vì cần thời gian để đào sâu hơn kiến thức các môn này. Nhưng thời lượng các môn khác vẫn bảo đảm đầy đủ theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc học giỏi môn chuyên là một yêu cầu bắt buộc. Một số bạn học giỏi môn chuyên đó ở các trường khác nhưng vào trường chuyên, lớp chuyên thì sẽ phải "cạnh tranh" các vị trí đứng đầu, nên có thể sẽ không được đánh giá là giỏi nữa (trong góc nhìn của lớp chuyên đó). Đôi khi điểm của môn chuyên của bạn còn thấp hơn các bạn ở trường khác (vì toàn phải làm bài khó, đề kiểm tra khó) - đây cũng là thiệt thòi của học sinh trường chuyên, lớp chuyên với hình thức xét tuyển dựa vào điểm số.
Các bạn học trường chuyên, lớp chuyên không nhất định chỉ được tập trung vào duy nhất môn chuyên mà các bạn được tự do học các môn khác, miễn là phải bảo đảm tiêu chí điểm của môn chuyên cũng như các môn học khác. Không ai bắt các bạn phải gò ép mình vào học ở trường chuyên hay lớp chuyên. Đơn cử như lớp tôi (lớp chuyên Toán - Tin) có một bạn nằm trong top 3 của môn Toán, nhưng lại chọn đi thi Học sinh giỏi môn Hóa. Còn bản thân tôi, thấy khả năng không bằng các bạn khác trong lớp, nên tôi chọn môn bóng đá để đi thi đấu các giải của học sinh.
Nói vậy để thấy, hiện tại, các trường chuyên đều chú trọng đến tất cả các môn học, các kỹ năng khác của học sinh. Các em có thể tham gia các câu lạc bộ, dự thi các cuộc thi hùng biện... Vì vậy, không thể nói là trường chuyên, lớp chuyên "ép" hay bắt buộc người học chỉ học mỗi môn chuyên. Việc học các môn khác, hay lĩnh vực khác hoàn toàn do bạn và gia đình lựa chọn và quyết định.
Đối với việc học trước chương trình đến nỗi vào đại học không cần phải học như đề cập thì hoặc là bạn quá giỏi, hoặc là chương trình của trường chuyên, lớp chuyên của bạn quá rộng (học trước chương trình). Còn chương trình mà tôi được học thì không đến mức như vậy. Vào học đại học, tôi và các bạn mình vẫn học bình thường với kiến thức mới ở bậc học này. Chỉ có một nhược điểm từ trường chuyên mà tôi nhận thấy, đó là toàn chọn làm bài tập khó trong chương trình đại cương của đại học, nên đến khi thi, gặp những bài không khó, không quen nên điểm cũng không cao. Có điều, sang học kỳ thứ hai, tôi đã lập tức điều chỉnh "chiến lược" và lại có điểm tốt.
>> Tôn sùng hay dẹp bỏ trường chuyên?
Thứ hai, về tính sáng tạo trong trường chuyên, ở trường tôi học, trong các giờ học môn chuyên thực sự khó nhưng rất kích thích. Thầy, cô dạy lý thuyết, sau đó cho bài tập áp dụng. Các bạn trong lớp sẽ thi nhau xem ai giải nhanh nhất để lên bảng giải bài và đạt điểm cao nếu làm đúng. Trong thời gian bạn đó giải bài trên bảng, các bạn khác có thể theo dõi hoặc tiếp tục giải bài với phương án của mình. Khi bạn trên bảng giải bài xong, thầy cô và cả lớp cùng phân tích.
Có những bạn khi thấy cách giải của bạn trên bảng chưa hay liền kêu: "Thầy ơi, em có cách này ngắn hơn" hay "Thầy ơi, em dùng cách khác để chứng mình". Thế là bạn khác lại lên giải với cách mới... Nhiều cách giải được trình bày một cách tự do, sáng tạo... Tất nhiên, cũng có những bài cả lớp "cắn bút", giải mãi không được.
Ngay cả trong các kỳ thi, các bạn tôi cũng giải bài bằng nhiều cách khi còn thời gian. Như đã đề cập, có bạn trong cuộc thi phát hiện một đề bài bị lỗi (bị lệch một hàng của dấu phẩy thập phân). Trong khi các bạn ở trường khác thì tự sửa lại đề và làm bài theo đề tự sửa, bạn tôi quyết định chọn cách chứng minh đề sai. Cuối cùng, bạn ấy vẫn nằm trong top 10 của cuộc thi cấp thành phố năm đó.
Còn nói về tính ứng dụng của kiến thức học ở trường chuyên, lớp chuyên thì cũng cần phải xem xét. Nếu bạn học chuyên Toán, ắt hẳn đã học về nguyên lý Dirichlet, một nguyên lý cực kỳ đơn giản của số học nhưng áp dụng rất nhiều trong cuộc sống, có thể theo một cách tự nhiên mà người áp dụng không biết. Toán vốn trừu tượng nên mọi người thường ít thấy ứng dụng của Toán học trong cuộc sống nhưng thực ra ở đâu cũng có cả.
Còn các môn khác thì tính áp dụng thực tế sẽ dễ nhìn thấy hơn. Nhưng rất nhiều người nói rằng hầu hết kiến thức học được đều không thể sử dụng. Thực tế thì ngược lại, đó là do mọi người chủ động sử dụng kiến thức đã được học của mình như thế nào?
Đơn cử, ít ai nghĩ là kiến thức của Toán, Lý, Hóa lại quan trọng đến ngành logistic. Nhưng chỉ cần nói một "mảng" rất nhỏ là vận chuyển hàng hóa bằng xe tải trong logistic, bạn sẽ thấy nó liên quan đến cả ba môn học này, từ việc tính toán thời gian, vận tốc, cho đến sắp xếp chằng buộc để tránh xô đẩy, va đập khi có lực quán tính hay tính chất hóa học, tính chất vật lý của các chất được vận chuyển để bảo đảm an toàn khi vận chuyển... Như vậy thì sáng tạo, tự do sáng tạo, hay việc áp dụng kiến thức đã được học không phải là lỗi của trường chuyên mà chủ yếu là ở người học.
>> Trường chuyên luyện 'gà nòi' để đá ai?
Thứ ba, về tính kế thừa, trường chuyên, lớp chuyên chỉ áp dụng cho khối phổ thông, nhằm tạo môi trường tốt cho các học sinh có đủ khả năng và đam mê, không nhất thiết phải là theo hướng "học thuật" hay "học ứng dụng". Sau khi tốt nghiệp phổ thông, khi đã là 18 tuổi, việc quyết định hướng đi tiếp theo cho bậc đại học hoàn toàn là do bạn và gia đình lựa chọn. Nếu bạn thiên về hướng "học thuật" - nghiên cứu thì bạn sẽ chọn các trường tập trung hướng này, nếu bạn thiên về hướng "ứng dụng" - áp dụng thì bạn sẽ chọn các trường khác phù hợp.
Tôi và các bạn mình dù học trường chuyên nhưng hầu hết đều vào các trường đại học thiên về ứng dụng. 100% các bạn lớp tôi có giải quốc gia đều làm việc thiên về ứng dụng và rất thành công trong chuyên môn sau khi đi làm. Về học lực hay kiến thức môn chuyên, mặt bằng trường chuyên, lớp chuyên thường tốt hơn các trường thường, nhưng không thể nói là người học trường chuyên, lớp chuyên là giỏi hơn người khác.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, người học sẽ chọn trường đại học và tiếp theo nữa là công việc cho mình. Thực tế, có rất nhiều các bạn không học trường chuyên nhưng vẫn làm lãnh đạo cấp cao ở các tập đoàn, công ty lớn, có cấp dưới là những bạn học trường chuyên, và ngược lại.
Trường chuyên, lớp chuyên cũng chỉ là một môi trường đào tạo, tương tự như các môi trường khác, luôn có các đặc thù riêng. Trước khi vào trường chuyên hay lớp chuyên, các bạn cần tìm hiểu và ra quyết định phù hợp. Quá trình học tập phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tự định hướng, tự học của mỗi người. Môi trường tốt là điều kiện thuận lợi để phát triển, môi trường chưa tốt là thử thách mà mình cần vượt qua... Ai phát huy được ưu thế của mình, vượt qua thử thách thì người đó sẽ thành công.
Tôi phân tích như trên không phải là để ca ngợi hay "sùng bái" trường chuyên, lớp chuyên. Vẫn còn đó những hạn chế về chương trình, phương pháp, người dạy, người học cần phải cải tiến liên tục. Mặc dù có rất nhiều áp lực khi học trường chuyên, lớp chuyên, nhưng tôi vẫn thấy may mắn khi được học với nhiều thầy cô, bạn bè, những người đã cho mình rất nhiều bài học về kiến thức, về ứng xử, nhân cách... Và những bài học này đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong cuộc sống và công việc hiện tại.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.