(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Nhân câu chuyện "Phụ nữ học cao khó lấy chồng vì 'cái tôi' lớn", tôi xin kể về chính gia đình mình. Vợ chồng tôi kết hôn khi hai người có bằng cấp tương đương. 20 năm sau, vợ tôi là tiến sĩ, tôi thì vẫn vậy, chẳng có gì thay đổi. Hai vợ chồng tôi làm khác nghề. Cô ấy học cao là cao với cái nghề của cô ấy thôi chứ đâu có am hiểu gì về nghề nghiệp của tôi. Cùng nghề mới đáng sợ, chả khác gì đệ tử kết hôn với sư phụ. Sự nghiệp của bạn có thể kém nhưng đừng bao giờ để bạn đời "đè đầu cưỡi cổ" về nghề nghiệp, điều đó rất khó chịu.
Học cao liệu có thông minh hơn? Khi cùng tranh luận về luật pháp (không nằm trong chuyên môn nghề nghiệp của người nào), hai người sẽ ngang nhau, chẳng ai hơn ai. Cái "tôi" có lớn hay không là do bản tính của mỗi người (tính sân si, hiếu thắng) chứ không liên quan đến giàu nghèo hay học vấn. Biết sai nhưng chẳng bao giờ nhận sai (nhiều lắm là âm thầm sửa sai) thì cái "tôi" rất cực đoan. Những người như vậy lúc nào cũng tự cho mình là đúng (duy ý chí) không cần nghe ai khuyên bảo.
Cái tôi lớn thì sự tự tin cũng lớn, đến mức không biết sợ là gì. Chẳng hạn như trong một cuộc thi sắc đẹp, giám khảo hỏi một cô có thân hình hơi mập, thấp, lùn: "Bạn có tự tin vào bản thân không?". Cô gái trả lời: "Em rất tự tin, thưa giám khảo". "Bạn tự tin ở điểm nào của bản thân?". "Điểm nào em cũng tự tin" - cô gái trả lời ngay lập tức không cần suy nghĩ. Giám khảo chỉ còn biết ôm đầu. Xã hội chúng ta có vẻ như có rất nhiều người "tự tin" như vậy.
>> 'Phụ nữ tự chủ kinh tế mới nghĩ đến chuyện lấy chồng'
Vậy vì sao hôn nhân đổ vỡ? Nhiều người tự tin: "Chúng tôi yêu nhau đã lâu (3-7 năm), nên rất hiểu nhau". Nhưng kết quả kết hôn chưa được một năm đã ra tòa ly dị. Ngần ấy năm yêu nhau, họ làm gì? Hẹn hò, chơi bời, và... hết. Ai có điểm mạnh điểm yếu gì cũng không biết, kết hôn xong mới nhận ra. Bạn tôi là luật sư chuyên về hôn nhân gia đình, có kể cho tôi nghe hàng tá những chuyện như vậy. "Nghe họ kể xong, tôi cũng chẳng biết làm thế nào để hòa giải vì họ đã không hợp nhau ngay từ đầu, không hiểu làm thế nào họ có thể kết hôn với nhau được", bạn tôi than thở.
Con gái yêu bằng tai, con trai yêu bằng mắt. Một người "dẻo miệng" và một người có nhan sắc, gặp nhau chắc chắc sẽ "dính", trong khi nền tảng của hôn nhân gia đình là gì không ai thèm tìm hiểu, quan tâm, vậy nên chia tay là điều tất yếu. Khi một trong hai người có cái "tôi" quá lớn, khả năng đổ vỡ càng cao. Nếu cả hai đều có cái "tôi" lớn, chuyện ra tòa chỉ là vấn đề sớm hay muộn. Nền tảng của hôn nhân gia đình là nhường nhịn và chia sẻ, hoàn toàn trái ngược với cái "tôi" cá nhân ấy.
>> Tôi sẵn sàng trông con, nội trợ để vợ kiếm tiền
Trong tình yêu trước hôn nhân, những người thẳng tính, "ruột ngựa", "phổi bò" thường gặp bất lợi. Nhưng sau hôn nhân, những người này thường là những người giữ cho ngọn lửa hôn nhân luôn cháy mãi. Còn những người im im, luôn làm ra vẻ bao dung, vị tha, chuyện khó chịu gì cũng giữ trong bụng, đến một ngày nào đó hết chịu nổi, bùng ra, chuyện từ đời nào cũng lôi ra nói, hôn nhân sẽ tan vỡ.
Hôn nhân gia đình, đừng bao giờ để cho những chuyện khó chịu trong cuộc sống "tích tiểu thành đại". Không hài lòng nhau cái gì thì lựa lời mà nói ra để cùng nhau giải quyết. Không giải quyết được thì một trong hai bên sẽ phải quyết định "sống chung với lũ" như thế nào? Giải quyết từ "trứng nước" dễ hơn nhiều so với để cho sự việc xảy ra đến mức phức tạp, nhiều khi đã không thể vãn hồi.
Hôn nhân không phải là tất cả nhưng nó là cảm xúc lớn nhất của một đời người. Có người còn ví nó là cuộc phiêu lưu lớn nhất. Không phải ngẫu nhiên mà người xưa xem sự nghiệp (thi đậu) là đại đăng khoa, hôn nhân là tiểu đăng khoa. Đại đăng khoa không phải ai cũng được, phải là người thật sự giỏi, thật sự nổi bật. Trạng Nguyên, Thám Hoa, Bảng Nhãn 10 năm mới có ba người đạt được. Còn tiểu đăng khoa thì gần như ai cũng có thể đạt được, không phân biệt sang hèn, học cao hay thấp. Chuyện nhỏ như vậy không dám đối mặt, nói gì trải nghiệm này nọ cao xa.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm