Có những trường hợp sống cùng cha không khác gì sống trong địa ngục trần gian. Nhiều khi tôi nghĩ có khi không cha có khí lại tốt hơn, thậm chí còn tưởng tượng ra một người cha nào đó khác đã sinh ra mình. Những nỗi niềm, những đớn đau về tâm hồn luôn song hành cùng những người như tôi bởi những người cha tồi tệ đã để lại những vết hằn trong tâm khảm trẻ thơ.
Tôi cũng là một người bị bố bạo hành hơn cả với người dưng suốt từ thời thơ ấu đến lúc trưởng thành. Trong trí nhớ rất sâu của mình, tôi chưa bao giờ thấy bố bế hay cõng mình bao giờ cả. Lớn lên một chút, tôi luôn bị bố tôi lôi ra so sánh khả năng nấu ăn với những đứa em họ trên thành thị. Giờ đã có tuổi rồi nhưng cứ nghĩ về tuổi thơ là tôi rất muốn khóc.
Tôi học khá giỏi nhưng tính luôn nhút nhát vì sự soi mói nặng nề của bố. Thời bao cấp, tôi luôn trong trạng thái đói cơm vì gia cảnh nhưng cái đáng sợ hơn là trong bữa cơm bố tôi luôn nhăm nhe để ý tôi ăn nhiều hay ăn ít. Thậm chí, tôi không dám gắp thức ăn vì bố hay hằn học và lườm nguýt. Bữa nào mẹ cũng phải gắp thức ăn cho tôi. Tôi cũng hay tự biến mình thành kẻ trộm, lùng sục đủ ngóc ngách xem bố giấu hũ đường ở đâu để giải tỏa cơn thèm.
Tôi cứ tưởng tượng ra có một bác A, chú B nào đó là cha mình thì tốt biết mấy. Trong tâm trí tôi dường như không tồn tại một người cha đích thực. Có lúc tôi ao ước giá như tôi đừng có ba, có lúc tôi mong đi thật xa để tránh xa người cha tội lỗi này. Nhiều lần, tôi còn mong mình không tồn tại trên cõi đời để không phải chịu những tủi hổ, đớn đau mà cha đã trút lên mình. Cảm giác tự ti và thiếu tự tin cứ thế hình thành trong tôi từ tấm bé.
Bố tôi nay cũng đã mất rồi, bệnh bao tử và ung thư hành hạ ông đến cuối đời. Sự thật trớ trêu là tôi một tay đi làm, trả một núi nợ của gia đình gần 20 năm, một tay lo tiền chữa đủ thứ bệnh của bố. Và tôi vẫn phải đóng vai một người con hiếu thảo dù trong thâm tâm luôn vang lên lời oán trách bố: "Kiếp sau mong rằng chúng ta sẽ là những người hoàn toàn xa lạ. Tôi sẽ không tìm đến ông để đòi nợ cho kiếp này đâu nên ông hãy đi đi".
Giá như lúc ấy, cha chỉ cần nắm tay tôi, nói một câu xin lỗi, có lẽ tôi sẽ nghĩ lại. Nhưng tất cả đã quá muộn rồi. Tôi mong người lớn đừng làm đau con trẻ nữa. Nếu lỡ có cay nghiệt với con thì xá chi một cái ôm, một câu xin lỗi kịp thời trước khi quá muộn? Những vết hằn nham nhở trong tâm hồn trẻ thơ do người lớn gây ra sẽ song hành với các em đến tận khi lìa đời. Hãy nhớ và hãy ghi!
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.