Đọc bài viết "Những người trẻ sợ về nhà", tôi xin đưa ra một số quan điểm dựa trên vốn sống cá nhân. Trước tiên, việc bố mẹ có những kỳ vọng cao về con cái đều xuất phát từ việc họ ít hiểu biết về thực trạng hiện nay, cũng như phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá khứ. Có nhiều cha mẹ vay mượn tiền bạc, lao động cật lực cho con ăn học với hy vọng tương lai tốt đẹp hơn đời mình. Những khoản đầu tư đó vô tình tạo thành gánh nặng phải thành công sớm cho các bạn trẻ.
Đáng buồn thay, các phụ huynh như vậy thường không hiểu rõ thực trạng thị trường lao động hiện nay. Đa phần các bạn trẻ bây giờ khi ra trường đều phải bắt đầu từ những chức vụ rất thấp trong tổ chức, lương vì thế làm sao có thể cao được. Chưa kể với nhưng công việc được trả lương cao ngay từ đầu thì sau này cũng không chắc nó sẽ tiếp tục tăng đều qua các năm.
Ngoài ra, áp lực tới từ bên ngoài đối với các phụ huynh cũng vô tình khiến cho họ có áp lực tinh thần về việc con mình phải thành công cho bằng con nhà người ta. Khi nghe con nhà hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp có lương cao, mới kết hôn, hay thăng chức, họ đều ước con mình cũng được như vậy, dù thực tế mỗi người đều có một lộ trình sự nghiệp riêng.
Cựu Tổng thống Obama kết thúc hai nhiệm kỳ và về hưu khi tuổi chưa tới 60, còn trong khi Tổng thống Biden ngoài 70 tuổi mới đắc cử. Đó là minh chứng rõ ràng cho việc đâu phải cứ thành công sớm là sau này mãi thành công.
Việc các bạn trẻ thường xuyên kêu than với bố mẹ mình về áp lực công việc cũng không phải cách làm hay. Vì phụ huynh (nhất là gia đình thuộc tầng lớp lao động) không hiểu rõ về tình hình thị trường việc làm, định hướng nghề nghiệp của bạn ngày nay. Họ sẽ chẳng giúp được gì cho bạn ngoài việc lo lắng.
Thay vào đó, khi làm bất cứ việc gì, hãy tìm đến những người có kinh nghiệm, có chuyên môn trong lĩnh vực bạn quan tâm để xin ý kiến. Lắng nghe tầm 5-10 người góp ý, bạn sẽ biết được mình nên làm gì, sau đó xem kết quả. Đó là quá trình thử và sai thì làm lại.
>> Áp lực thành công như 'con nhà người ta'
Bố mẹ tôi cũng là dân lao động, lại ở nông thôn, họ cứ nghe bảo con nhà ai lương cao, mới mua ôtô, mới mua nhà, chung cư là đều về kể với tôi. Đối với họ như thế để con cái có động lực phấn đấu, biết ganh đua mà vươn lên. Họ không đủ trình độ để hiểu điều đó chỉ làm con mình thêm bối rối. Suy cho cùng đó cũng là vì bố mẹ thương con nhưng không biết thương đúng cách, kết quả lợi bất cập hại.
Khi gặp những trường hợp như vậy, cách phản ứng của tôi là lôi điện thoại ra bấm, giả vờ bỏ đi làm việc khác, lảng đi coi như không nghe thấy gì. Bố mẹ dần dần nhận ra cách làm đó chẳng giải quyết được gì, nên không nói nữa.
Tôi luôn tâm niệm, muốn thứ tốt đẹp, bạn phải chiến đấu cật lực và kiên trì theo năm tháng. Nói chuyện thiên hạ chỉ có đói mà thôi. Phải tích cực rèn luyện óc quan sát, xem thử những người tạo nên những thành tích đó làm gì hằng ngày, họ suy nghĩ và hành động ra sao để đạt được vậy? Và bằng việc này thì dần dần tôi cũng phát hiện ra ai là người thành công thật, ai là người đang dùng phông bạt để tỏ ra mình giàu và giỏi.
Khi bố mẹ khoe ai mới mua ôtô, tôi sẽ xem xét xem họ làm nghề gì, thu nhập tới từ đâu, mua xe nhằm mục đích gì? Sau đó tôi nói thẳng với bố mẹ những gì mình thấy, và phân tích cho họ biết cái việc mua thêm một tiêu sản đó có thật sự hữu ích với người kia hay không? Một người chỉ làm ra vài triệu đồng một tháng ở quê, lại phải nuôi thêm ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn, lại chẳng mấy khi có nhu cầu đi xa mà mua ôtô thì có tác dụng gì? Trong khi đó, chi phí nuôi xe như thế nào tôi nắm rất rõ. Vậy là bố mẹ cũng dần hiểu ra và khi nghe ai khoe, họ cũng cười trừ vì biết cái thành tích đó chẳng có gì.
Sự nhìn nhận của mỗi người sẽ phụ thuộc khá nhiều vào hiểu biết, cũng như môi trường xã hội nơi người đó sống. Thế nên, chuyện phụ huynh đôi khi tạo áp lực cho con cái để mong bằng bạn bè là điều ở đâu cũng có. Việc bạn có thể cải thiện và trau dồi vốn hiểu đời của mình, cũng như lao động tích cực hơn để có nhiều cơ hội hơn.
Với cá nhân tôi, khi về nhà, việc tôi làm sẽ là ngủ thật đã, ngoài ra làm việc nhà giúp bố mẹ, chơi thể thao để thời gian đỡ lãng phí hơn. Tôi luôn ý thức trau dồi trình độ chuyên môn cũng như sức khỏe, để không còn áp lực về cuộc sống nữa. Chăm thể dục thể thao, học cách chế biến cách món ăn mới, chi tiêu hợp lý, và đọc nhiều sách hơn cũng là cách hay để bạn có tinh thần trầm tĩnh hơn.
Còn việc cứ lướt mạng xã hội, ngồi nghe những người ít hiểu biết khoe khoang về bản thân sẽ chỉ khiến bạn buồn hơn. Chưa kể, rất nhiều người cố tạo ra cuộc sống giả tạo chỉ để gây ấn tượng về người khác. Không hiếm gặp các bạn trẻ lương tháng 10 triệu đồng nhưng vẫn vay tiêu dùng để sắm iPhone mới, đi du lịch nước ngoài... Không phải ai cũng tiết kiệm một khoản rồi mới tiêu phần còn lại. Và các bạn trẻ cũng không nên quan tâm tới việc người khác đang sống như thế nào, vì điều đó chẳng giúp bạn tốt lên.
Tỉ phú Jeff Bezos từng nói: "Stress không tới từ việc làm việc vất vả, mà nó tới từ việc không hành động đủ quyết liệt với những thứ mà hoàn toàn có thể làm". Vì thế, việc ngại về nhà vì bố mẹ luôn so kè mình với người khác cũng phần nào cho thấy bạn để những suy nghĩ tiêu cực làm chủ mình. Hy vọng một vài quan điểm của tôi sẽ giúp các bạn trẻ bớt ngại về nhà hơn và có thể tác động tới suy nghĩ của bố mẹ mình, không còn những mâu thuẫn gia đình chỉ vì những so sánh với con nhà người ta ở đâu đó.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.