Trào lưu "flex" (khoe thành tích) đang nhanh chóng trở nên phổ biến và được sự hưởng ứng nhiệt tình của số đông người dùng mạng xã hội vì nó đánh trúng vào nhu cầu thể hiện bản thân của nhiều người. Vào các hội nhóm "flex", tâm lý chung của không ít người là cảm thấy mình ở "dưới đáy xã hội", sống ở "lõi trái đất", bởi nhìn đâu cũng thấy người giỏi, người giàu, người thành công, trong khi nhìn lại bản thân lại quá tầm thường. Phải chẳng "flex" đang gieo rắc cảm giác mặc cảm, tiêu cực cho người khác?
Từng là một người chìm đắm trong cảm giác ghen tỵ, tự ti khi thấy người khác khoe khoang trên mạng, độc giả Linh Hoang nêu quan điểm: "Tôi từng sống một cách ghen tỵ và tự ti cho tới khi học được cách sống tối giản. Ví dụ thế này, lúc nào cũng sẽ có người hơn bạn một cái gì đó. Cho dù bạn giàu có nhất thế giới như Bill Gates thì cũng sẽ có người để bạn ngưỡng mộ, bởi tiền đâu có mua được sự trẻ trung của tuổi đôi mươi? Cho dù bạn cố gắng tới mức nào thì cũng sẽ luôn có người đẹp hơn bạn, nhiều tiền hơn, gia đình hạnh phúc hơn, nhà to hơn bạn.
Thậm chí, ngay cả với những người đang làm bạn ghen tỵ tới trầm cảm ấy, cũng có rất nhiều người hơn họ ngàn lần. Vậy tất cả mọi sự ganh tỵ đó đều đến từ bên trong mỗi người, chứ không phải do người khác 'flex'. Bạn có trầm cảm khi thấy Elon Musk giàu có không, ông ấy vẫn 'flex' trên báo chí, mạng xã hội, viết sách, đóng phim... sao bạn thấy bình thường, còn người khác 'flex' lại làm khổ bạn?".
Với cái nhìn cởi mỏ về trào lưu "flex", bạn đọc Son Son đồng tình: "Không có sự cạnh tranh thì xã hội sao phát triển được? Nếu ai cũng hài lòng với những gì mình đang có và không phấn đấu nữa thì xã hội sẽ đi xuống. Nhìn người khác 'flex', thay vì căng thẳng thì chúng ta nên lấy đó làm gương và tập trung phát triển bản thân, rồi sẽ có ngày bạn được như họ hoặc ít nhất là bản thân sẽ tốt hơn. Họ thành công trước vì họ nỗ lực nhiều hơn, may mắn hơn, bản thân mình cứ cố gắng rồi có ngày thành công sẽ tới".
>> 'Mượn cớ flex để khoe khoang đủ thứ'
Nhấn mạnh "flex" tốt hay xấu tùy thuộc vào cách suy nghĩ của mỗi người, độc giả Nmdungitaly bình luận: "Thấy người khác bằng tuổi mình mà đạt nhiều thành tựu, có người cảm thấy như bị thách thức và cố gắng nỗ lực hơn, những cũng có người lại cảm thấy kém cỏi, cam chịu. Điều này chẳng khác việc đứng trước đỉnh núi cao, người này muốn chinh phục bằng được và leo lên tiếp, còn người kia thấy nản và bỏ cuộc, đi xuống.
Vậy 'flex' tốt hay xấu là tùy suy nghĩ của mỗi người (có ý chí hay không?). Cố gắng nỗ lực hết sức thì kết quả đạt được nhiều hay ít, cao hay không đều đáng tự hào rằng mình không phải là người lười nhác, dựa dẫm. Đây là một sân chơi lành mạnh, miễn là luôn hướng tới cái hay, cái đẹp, cái nhân văn, và không vay mượn, không phóng đại, không bịa chuyện để 'sống ảo'".
Trong khi đó, bạn đọc Ly Ly tin rằng, trào lưu "flex" mang lại nhiều giá trị tích cực: "Bạn phải hiểu đã gọi là mạng ảo thì phần lớn trên đó đều ảo. Người ta khoe một chiếc xe sang, chắc gì xe đó của họ, hoặc chắc gì họ không nợ nhiều hơn số tiền chiếc xe đó. Nhìn lên để phấn đấu là tốt, nhưng suốt đời chỉ biết nhìn lên rồi so sánh, ghen tỵ với người khác, trong khi không nhìn xuống để thấy mình còn hơn biết bao nhiêu người, sẽ là một sai lầm. Thậm chí, khi bạn chẳng là gì, nhưng chỉ cần có sức khỏe thì bạn đã may mắn hơn biết bao người đang mang bệnh trong người, hàng ngày phải đau đớn trong các bệnh viện.
Những bạn cảm thấy kiệt sức khi nhìn người khác 'flex' chính là do bản tính ganh tỵ mà ra. Chứ thấy bạn bè của mình thành công, tôi còn cảm thấy vui cho họ, hoặc bản thân cũng có thể học hỏi kinh nghiệm thêm từ họ. Quan trọng là phải biết chọn lọc bạn bè. Nếu là bạn tốt, 'flex' thực ra không ảo, họ cũng sẽ sẵn sàng giúp đỡ lại bạn để cùng phát triển. Còn không thì thôi, cuộc sống của mình, mình làm chủ, mọi thứ đều tùy duyên. Chỉ cần bạn sống tốt, an yên, rồi trước sau cũng tìm thấy ánh sáng cuộc đời mình, chỉ là vấn đề thời gian mà thôi".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.