Tại Việt Nam, theo một cuộc khảo sát của một đơn vị nghiên cứu bất động sản vào năm 2022, có đến 58% số người được khảo sát nhóm 20-29 tuổi và 43% nhóm 30-39 tuổi có mong muốn mua nhà trong vòng từ 3-5 năm tới. Tuy nhiên, sở hữu nhà vẫn là một mục tiêu ngày càng khó đạt được đối với những người trẻ tuổi, đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất, chi phí đầu vào tăng cao, cùng với đó là thu nhập sụt giảm khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề sau dịch Covid-19. Trong khi đó, giá cả các phân khúc nhà ở hầu như không có dấu hiệu giảm.
Thấu hiểu áp lực khủng khiếp của việc đuổi theo giá nhà, độc giả AKa chia sẻ: "Giá nhà mỗi lúc mỗi tăng khủng khiếp hơn. Năm 2017, tôi được bố mẹ cho 1,2 tỷ đồng, cộng thêm hơn 200 triệu đồng tích góp nhiều năm, tôi liều mạng mua căn nhà ở gần chợ Bà Chiểu, diện tích 29,1 m2, trệt gác gỗ đã cũ, nhiều người xem nhưng không mua. Vợ chồng tôi đi xem nhà quyết định mua luôn chỉ sau năm phút. Chúng tôi phải vay thêm một tỷ đồng của ngân hàng.
Sau khi sửa sang lại căn nhà xong xuôi thành trệt lầu bằng tấm xi măng giả, tôi tốn vào đó tổng cộng 2,6 tỷ đồng, sổ đỏ ghi nhận diện tích 24,5 m2. Tôi cho thuê căn nhà đó được gần hai năm, giá thuê tháng 11/2018 là 8,5 triệu đồng mỗi tháng. Đến tháng 10/2019, chúng tôi dọn về ở, dù rằng người thuê muốn ở đến năm 2023. Giờ tôi vẫn còn nợ khoảng 620 triệu đồng, cuộc sống chật vật hơn vì phải nuôi hai đứa con, nhưng ra riêng thật sự thoải mái và hạnh phúc hơn nhiều. Nếu lúc đó chúng tôi không mua nhà ngay, chắc có lẽ giờ không thể mua nổi dù có vay ngân hàng vì lãi quá khủng".
Đồng quan điểm, bạn đọc Anhlq nói về cơ hội mua nhà mong manh của giới trẻ hiện tại: "Hôm nọ, tôi xem TV, có thông tin rằng trung bình một người Việt Nam cần 23,5 năm để mua nhà. Rõ ràng, đất đai đang bị đầu cơ, đẩy giá nhà, đất tăng lên quá nhanh so với thu nhập của người dân. Tôi nhớ, năm 2001, dì của tôi mua một mảnh đất với giá 17 triệu đồng, trong khi thu nhập của hai vợ chồng chỉ là hai triệu đồng một tháng. Tức là mảnh đất chưa bằng một năm thu nhập của họ.
Giờ một mảnh đất ở vùng quê cũng có giá tới hai tỷ đồng. Cứ cho là thu nhập trung bình của hai vợ chồng một tháng được 25 triệu đồng (đây là mức lương khá ở vùng quê) thì một mảnh đất cũng bằng gần 10 năm thu nhập của họ rồi. Mỗi lần tôi nghe mấy anh thuộc thế hệ cuối 7X, đầu 8X hợm hĩnh nói :"9X chúng mày kém, ngày xưa anh đi làm mấy năm là mua được mảnh đất", tôi lại cười khẩy. Đúng là ai mua đất cũng phải chăm chỉ, tiết kiệm, nhưng càng ngày giấc mơ có nhà, có đất càng khó khăn".
>> Giới trẻ thời nay sướng hay khổ hơn thời xưa?
Tuy nhiên, không phải người trẻ nào cũng bị áp lực mua nhà bủa vây. Do những thách thức về khả năng chi trả và nhiều lý do đến từ cả vĩ mô lẫn mong muốn cá nhân, việc thuê nhà đã và đang trở thành lựa chọn hàng đầu của thế hệ trẻ. Đó cũng là quan điểm của độc giả Người Dân Việt: "Nếu có 2,6 tỷ đồng trong tay như bạn đọc phía trên, tôi thà đem gửi ngân hàng, mỗi tháng tôi lấy tiền lãi 17 triệu đồng (lãi suất khoảng 8%/năm). Thay vì cố mua nhà, tôi sẽ dành 7 triệu đồng mỗi tháng thuê một căn nhà gần chỗ làm để ở, vừa thuận tiện đi lại. Còn dư 10 triệu đồng tôi lại đem gửi ngân hàng lấy lãi.
Như vậy, mỗi năm tôi sẽ có thêm 120 triệu đồng tiền lãi ngân hàng. Sau sáu năm, tôi có thêm 720 triệu đồng, cộng với 2,6 tỷ đồng tiền gốc ban đầu nữa nữa là tổng cộng hơn 3,3 tỷ đồng. Cứ như thế, đến tuổi nghỉ hưu, tôi sẽ có cả chục tỷ đồng trong tài khoản. Tôi sẽ về quê mua mảnh vườn nhỏ, làm căn nhà nhỏ và trong tài khoản vẫn còn 5-7 tỷ đồng để hàng tháng lấy lãi chi tiêu tuổi già. Như vậy, tôi không có một áp lực nào về chuyện trả nợ, cớ gì phải mua nhà cho bằng được để rồi làm khổ bản thân chứ".
Cũng ủng hộ tư tưởng không đặt nặng áp lực mua nhà bằng được, bạn đọc Vietanh nhận định:
"Tôi cũng nghĩ rằng nếu có điều kiện để sở hữu nhà đất thì quá tốt, nhưng nếu không thì cũng đừng tự tạo áp lực cho bản thân. Thay vì bán mạng, bán sức lao động, thậm chí đánh đổi tình cảm cá nhân hoặc thời gian cho gia đình... để chạy theo cái áp lực mua nhà đó (trong khi chưa chắc sẽ có cái kết đẹp), bản thân mỗi người nên học cách chấp nhận thực tại, cố gắng sống tốt và tận hưởng hạnh phúc với những gì mình đang có.
Tôi nghĩ có hai trường hợp cơ bản thế này (không tính chuyện được gia đình hỗ trợ):
- Trong 20 năm, bạn vừa giỏi, vừa siêng năng, lại có thêm chút may mắn để sở hữu nhà đất cho bản thân. Nhưng đổi lại, suốt thời gian đó, sức khỏe của bạn suy giảm, tình cảm gia đình không tốt...
- Trong 20 năm, bạn không có nhà, thay đổi chỗ ở liên tục. Nhưng bù lại, bạn có thời gian cho bản thân và gia đình, ưu tiên những thứ tốt nhất cho cha mẹ, sau đó mới nghĩ đến tình cảm cá nhân.
Vậy bạn sẽ lựa chọn hướng đi nào? Cố sức mua nhà cho bằng được, bất chấp tổn thất về sức khỏe, tình cảm có phải là lựa chọn tốt nhất?".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.