Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mức độ thỏa mãn của một người dựa trên hoàn cảnh và cộng đồng mà người đó đang sống, chứ không quan trọng mức độ tiện nghi như thế nào. Như khảo sát, chỉ số hạnh phúc ở Bhutan đứng đầu thế giới, nhưng nói thực đó là một nước khá lạc hậu. Thế hệ 6X, 7X, tuy cuộc sống vật chất khó khăn thật, nhưng đấy là khó khăn chung, ai cũng khổ, và người ta ắt phải thích nghi với hoàn cảnh như vậy.
Nhưng hiện tại thì sao? Các loại hình giải trí đa dạng, cuộc sống đầy áp lực, vậy làm sao giới trẻ không chi tiêu cho các hoạt động giải trí, hưởng thụ để lấy sức khỏe tinh thần được? Chưa kể truyền thông bùng nổ xung quanh thế hệ trẻ ngay nay toàn là hình mẫu người thành công, nên áp lực chạy đua của họ cũng nhiều gấp nhiều lần thế hệ trước.
Đánh giá một cách khách quan, không phải so sánh về mức độ chịu khổ hay tính tiết kiệm, mà nếu đặt mình vào vị trí người trẻ, thử hỏi giới trẻ bây giờ có giỏi không? Tôi khẳng định là họ rất giỏi, cả kiến thức chuyên môn lẫn ngoại ngữ đều rất mạnh, tư duy cũng linh hoạt và nhạy bén hơn. Các bạn thuộc thế hệ trước thử nhớ lại xem, thời xưa, ở tầm tuổi ấy, mình thế nào? Giả sử bạn có trẻ lại và phải cạnh trạnh với những bạn trẻ ngày nay thì liệu có ganh đua nổi không?
Tôi cũng từng tiếp xúc với những bạn trẻ rất xuất sắc. Nếu đặt những bạn ấy cạnh tranh với lứa chúng tôi mới ra trường, ở cùng độ tuổi như vậy, thì nói thật là tôi thua chắc. Nhưng biết sao được, sinh sau đẻ muộn cũng có thiệt thòi là như vậy.
>> 'Tư tưởng hưởng thụ khiến nhiều người trẻ khó mua nhà'
Ý nghĩa của việc so sánh ở đây là so sánh cơ hội, cùng một trình độ tốt như vậy, nếu ở thế hệ 7X, 8X thì việc thành công là lẽ tất nhiên. Nhưng thế hệ 9X đã ít cơ hội hơn; còn thế hệ Gen Z thì trật tự xã hội cơ bản đã cố định, muốn đạt mức thành công như thế hệ trước thì người trẻ bây giờ yêu cầu phải giỏi gấp chục lần các bậc cha chú tầm tuổi ấy.
Phải công nhận rằng, cách đây 15-20 năm, kể cả ở Hà Nội hay Sài Gòn, một gia đình có cả hai vợ chồng đều là công nhân, nếu làm công ăn lương ngày 8-10 tiếng, không ăn chơi, chỉ tập trung tiết kiệm, thì dần dà họ vẫn đủ tiền mua đất, xây nhà là bình thường. Còn thời nay làm gì có giấc mơ ấy? Ngày nay, một người làm ăn lương thiện, làm công ăn lương, thì bao lâu mới mua được đất, xây được nhà? Khác nhau là ở chỗ đó đó.
Bản thân tôi cũng thấy không công bằng cho giới trẻ bây giờ vì mặt bằng chung của giới trẻ Gen Z mà tôi gặp là năng lực rất mạnh. Phải công nhận rằng tính linh hoạt, thích ứng và suy nghĩ đột phá của giới trẻ hiện nay là hơn hẳn thế hệ trước. Tuy nhiên, cơ hội để bứt phá cho họ đang ngày càng ít và nhiều rủi ro (đừng ai bắt bẻ, so sánh người giỏi của thế hệ trước với những thanh niên mải ăn chơi hiện tại).
Nguyễn Chí Thanh
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.