Để hưởng ứng phong trào than vãn về bác sĩ ở phòng cấp cứu, tôi xin chia sẻ câu chuyện đi cấp cứu ở Mỹ của tôi để các bạn tham khảo.
Hôm đó tôi bắt đầu bị đau bụng vào giữa ngày. Sau khi tự sờ nắn, tôi đi tới kết luận là mình bị đau ruột thừa. Vậy là tôi lấy luôn cả quần áo vật dụng cá nhân và điện thoại laptop, một mình bắt Uber tới bệnh viện. Lúc đó đang dịch Covid-19 nên bệnh viện hạn chế người thân, tôi đi một mình luôn cho nó gọn.
Tới nơi, tôi được một nhân viên làm thủ tục giấy tờ, hỏi thăm lý do vì sao tới đây, đo huyết áp, nhịp tim, và nhiệt độ, sau đó được ngồi chờ. Người bị Covid-19 chờ ở ngoài trời, không Covid-19 được ở trong phòng chờ.
Ngồi được một lúc, tôi thấy một người đàn ông đi vào. Sau đó anh ta ngồi ghế phía sau lưng tôi và bắt đầu khóc inh ỏi. Quay lại nhìn, tôi thấy anh ta khóc rất thảm thương nhưng hai tay thõng hai bên, không lau mắt lau mũi gì cả. Chừng 5 phút sau có y tá gọi vào, hóa ra anh ta bị chấn thương, phía sau khủyu tay là một cục u to lớn, cỡ bằng hai quả bóng tennis, chắc là do khớp tay bị bong, chất dịch đổ ra
Chờ chừng một tiếng thì tôi được gọi vào. Đang lúc dịch, bệnh viện quá tải nên tôi thấy rất nhiều giừơng bệnh xếp ngoài hành lang, tôi cũng được một cái ở hành lang.
Ngay lập tức có một anh sinh viên y khoa tới khám cho tôi, sau khi hỏi han và sờ nắn thì anh ấy biến mất. Một hồi lâu mới thấy một bác sĩ trở lại với anh sinh viên, cũng hỏi han và sờ nắn rồi biến mất.
Đau ruột thừa là cơn đau là dấu hiệu của tiến triển bệnh, nếu đau quá thì ruột thừa vỡ tới nơi. Vì vậy đau ruột thừa không được dùng thuốc giảm đau, kẻo không vỡ lúc nào không hay. Vậy là tôi được ngồi đấy với yêu cầu theo dõi cơn đau của mình để báo cáo nếu cần.
Sau đó một cô y tá tới và nói rằng cô ấy sẽ lấy máu để xét nghiệm. Tôi hỏi xét nghiệm cái gì thì cô ấy nói là đây là y lệnh của bác sĩ, tôi chỉ làm thôi. Vậy là cô ấy lấy cả chục ống máu và biến mất.
>> 'Lương bác sĩ mới ra trường không nổi hai triệu đồng'
Tôi chờ tới mốc meo, chả biết làm gì nên đành ngó thiên hạ, ai cũng là bệnh nhân đau khổ. Cô gái ở giường bên cạnh ngồi đó khóc nức nở dù trông cô ấy không có gì quá ốm đau, chắc là mới nhận một cái chẩn đoán tồi tệ. Cô ấy khóc nhưng cũng không ai ngó gì tới. Các nhân viên y tế làm việc giấy tờ ngồi phía sau một dãy bàn, gõ máy tính lách cách, chả ai để ý tới họ.
Sau một hồi thì tôi nhận được thông báo của tài khoản bệnh nhân (patient portal, một cái app của bệnh viện được cài trên điện thoại) rằng đã có kết quả xét nghiệm. Tôi bèn đem kết quả ra nghiên cứu, mấy chục cái thông số. Sau khi tham khảo Google và vận dụng kiến thức sinh hóa học, tôi kết luận rằng mình bị nhiễm trùng.
Cô y tá trở lại và thông báo rằng tôi sẽ được đi siêu âm. Anh kỹ thuật viên bảo tôi ngồi vào xe lăn, đẩy tôi vào tới phòng siêu âm thì chúng tôi bị bảo đi ra ngoài, có người gặp nguy hiểm hơn, cần phải siêu âm trước. Vậy là chúng tôi quay ra và chờ đợi, sau cùng mới được vào. Siêu âm chỉ 5 phút, tôi lại trở về với cái giường ở hành lang. Sau cùng thì bác sĩ cũng tới, ông ấy nói rằng: "Bạn đúng là bị đau ruột thừa đấy. Khoa phẫu thuật sẽ tới nói chuyện với bạn nhé".
Một hồi nữa, một chàng trai trẻ lại tới, anh ấy xưng là bác sĩ nội trú khoa phẫu thuật và giảng giải cho tôi nghe về ca phẫu thuật sắp xảy ra. Sau đấy anh ấy lại thăm khám và sờ nắn.
Bác sĩ này khiến tôi phát hoảng khi anh ấy nhầm lẫn các dấu vết của thai kỳ lúc trước trên người tôi là vết mổ (vào thời điểm đó tôi đã sinh xong). Tôi lên giọng giảng luôn cho anh ta nghe về thai sản, khiến anh ta ngượng ngùng nói rằng, ngày nào mình cũng sẽ học được một điều mới, đúng không?
>> 'Bác sĩ 5 năm bươn chải không gỡ nổi vốn học Y'
Tôi lại hỏi rằng, liệu anh có phải là người mổ cho tôi không. Anh ta vội nói rằng, bạn may mắn đấy, tối nay bác sĩ trực khoa phẫu thuật là trưởng khoa phẫu thuật đấy. Nói thật chứ anh ta mà đứng mổ chắc tôi bỏ chạy.
Từ lúc được chẩn đoán cho tới khi vào phòng mổ là hai tiếng đồng hồ. Còn từ lúc tới viện cho tới lúc chẩn đoán là 6 tiếng. Sau khi tỉnh dậy, tôi được đưa vào phòng bệnh nghỉ ngơi. 12 giờ sau tôi được ra viện, lý do là bệnh nhân Covid-19 nhiều quá, bệnh viện hết phòng.
Đi tới phòng cấp cứu ở Mỹ lúc quá tải, tôi cũng phải trải qua những vấn đề thường gặp do quá tải, bao gồm phải chờ đợi, người tới sau nhưng tình trạng nặng hơn thì được chữa trước, được nằm ở hành lang, được thăm khám bởi sinh viên y khoa và các bác sĩ nội trú, không được giải thích gì về tình trạng của mình.
Điều cuối cùng, tôi nghĩ lúc bình thường cũng vậy, trong quá trình đó chưa xét nghiệm, chụp chiếu xong, bác sĩ đâu có thể kết luận được cái gì, tôi đau nhưng chưa nguy hiểm thì đành ráng chịu.
Tôi công nhận rằng ở Việt Nam, các bác sĩ khám bệnh ít khi chịu nói chuyện với bệnh nhân để giải thích tình trạng bệnh tật. Còn ở phòng cấp cứu mà không có thời giờ thì làm sao mà giảng với giải, ở nước nào cũng thế. Thái độ làm việc bác sĩ ở Việt Nam sai lầm lớn nhất là khi khám bệnh cho bệnh nhân lại nói chuyện với người khác hay không trả lời các câu hỏi của bệnh nhân.
Còn lại phần lớn các lời phàn nàn của bệnh nhân Việt Nam toàn liên quan tới trình độ y khoa của nhân viên y tế và trang thiết bị. Cái này thì là chuyện khác, nó chỉ có thể giải quyết bởi đồng tiền.
>> Ác cảm với bác sĩ viện công
Mà đi viện cấp cứu cái kiểu gì mà viện phí có 6 nghìn đồng thì tôi chịu, làm sao để bác sĩ có thể làm việc được, lấy đâu ra mấy viên thuốc hay chụp chiếu gì được nhỉ?
Cái chuyến mổ ruột thừa của tôi, bệnh viện nhận được 11 nghìn USD, tôi trả hết một nghìn USD, còn lại bảo hiểm chi trả.
Để được bệnh viện phục vụ kiểu Mỹ, cái giá phải trả chát khỏi nói.
Summer
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.