Tôi 52 tuổi, là một luật sư, đã từng học ở ba trường đại học danh giá ở Việt Nam, tham dự hàng chục khóa đào tạo ở nước ngoài, từng làm việc ở một tập đoàn quốc tế chuyên nghiệp hàng đầu thế giới.
Tóm lại, tôi là người có học, được giáo dục tử tế, làm việc trong môi trường ứng xử văn minh lịch sự. Qua báo chí, nghe về nhiều chuyện bác sĩ bị đánh... nhiều người biết, nhưng chẳng ai quan tâm - trong một xã hội văn minh. Tại sao? Hãy nghe câu chuyện của tôi để hiểu.
Cách đây gần hai năm, khi chị và các em tôi ra Bắc ăn cưới, mình tôi ở nhà chăm bố tôi 80 tuổi. Khoảng 23h của một tối thứ bảy, mẹ hốt hoảng gọi, báo rằng bố vật vã đau lắm (sau này tôi đoán là bố tôi đau do thiếu máu cơ tim).
>> Ao ước tốt nghiệp ngành Y được làm bác sĩ nội trú
Vợ chồng tôi hốt hoảng chạy sang, thấy bố ôm ngực vật vã kêu la đau đớn, tôi lái xe đưa bố thẳng vào phòng cấp cứu của một bệnh viện tại TP HCM. Ngay lập tức có người đến, sờ tay bắt mạch, lấy ống nghe tim, nhìn bố tôi hỏi tên, tuổi, ghi chép rồi bỏ đi chẳng nói năng gì.
Một quãng thời gian hơn 30 phút, bố tôi liên tục kêu rên, đòi ngồi lên, rồi lại nằm xuống co quắp người đau đớn, liên tục nói: "Hùng ơi, đau lắm!". Rất nhiều lần tôi chạy đến năn nỉ những người y bác sĩ gần nhất xem giúp, một cô ý tá đến thăm khám với vẻ mặt rất thờ ơ, vô cảm, ghi chép rồi đưa đi chụp x-quang.
Do không có chuyên môn về y, nên cũng chẳng hiểu để chuẩn đoán vấn đề gì. Nhưng, có cảm tưởng họ cho chụp x-quang lấy lệ để mình an tâm thôi. Bố lại được bị đẩy ra lại phòng cấp cứu, uống vài viên thuốc, truyền dịch và... tiếp tục nằm chờ theo dõi. Bố tôi vẫn đau đớn, không ngừng đòi ngồi lên rồi lại nằm xuống, liên tục kêu rên trước sự bàng quang của những người "từ mẫu".
Nghe bố liên tục kêu đau đớn, tôi quặn đau chạy đi tìm gặp bác sĩ trực để cầu xin họ giúp đỡ (có lẽ là bác sĩ thực tập, còn bác sĩ chính thì... ngủ). Ai cũng vô cảm, thờ ơ yêu cầu tôi phải kiên nhẫn chờ theo dõi, chẳng thèm giải thích bệnh tình của bố tôi là như thế nào (có lẽ họ cũng không biết).
Không gì cực hình hơn, khi một người con phải ngồi đếm thời gian vàng, nhìn cha mình quằn quại trong đớn đau.
Khoảng 15 phút nữa lại trôi qua, tôi thiếu kiên nhẫn đến gặp cô bác sĩ trực nói lớn tiếng, yêu cầu họ làm gì đó để bố tôi bớt đau. Họ chuyển bố tôi lên khoa ( tôi không nhớ là khoa gì) để điều trị và theo dõi, sau khi làm thủ tục, vợ chồng tôi và mẹ cùng cô hộ lý đẩy giường bệnh và bố lên khoa ở tầng 3.
Cô hộ lý bàn giao cho một y tá trực rồi về lại phòng cấp cứu. Do các phòng đã đầy người, không còn chỗ. Chúng tôi phải đứng cạnh giường bố ở một hành lang tối, ẩm thấp cùng một dãy dài giường bệnh khác đang chờ đợi một chỗ trống trong phòng bệnh.
Tôi đến gặp cô y tá đang mắt nhắm, mắt mở, gợi ý một khoản bồi dưỡng xin được đẩy giường bệnh của bố tôi vào một chỗ nào đó trong phòng. Cô y tá nói với tôi rằng rất nhiều người có tiền, nhưng chỗ thì lại không có nhiều, khuyên tôi rằng "nếu nhà gần thì anh nên đưa bác về nghỉ vẫn hơn".
Tôi bàn nhanh với mẹ đưa bố về, vì ở đó cũng chẳng ai quan tâm cứu chữa gì, các bác sĩ thì đều đang "yên giấc thu vàng", bố tôi kêu đau lại phiền những bệnh nhân khác. Lúc đó, bố cũng đỡ đau chút ít nên cũng đòi về vì phải nằm hành lang tối, nóng nực. mẹ tôi đồng ý.
Lúc đó khoảng 3h sáng, các cửa đóng hết, chỉ còn đường ra duy nhất là đi ngược trở lại phòng cấp cứu ra ngoài. Chúng tôi đẩy bố vào thang máy, xuống tầng trệt qua phòng cấp cứu thì bị giữ lại, chất vấn kịch liệt, tra hỏi lý do bỏ về. Chúng tôi trả lời theo hướng dẫn của người y tá trên khoa điều trị, nhưng họ nhất quyết không cho về. Sau một hồi cự cãi quyết liệt họ đồng ý cho về, nhưng bắt quay ngược trở lại Khoa điều trị làm thủ tục thanh toán viện phí thì mới được về.
Không thể kiềm chế được, tôi quát tháo ầm ĩ, họ xuống nước, đồng ý gọi y tá trên khoa xuống tính tiền viện phí xong thì cho về. Tôi đề nghị cho người nhà ở lại đợi thanh toán viện phí, cho bố về trước để nghỉ ngơi, họ không đồng ý, gọi bảo vệ vào giữ lại. Lại hơn 30 phút sau, viện phí mới được tính xong, hóa đơn ghi vỏn vẹn hơn 6.000 đồng (sáu nghìn đồng), lúc đó, cô y tá mới chịu tháo ống chuyền dịch ra khỏi tay bố tôi, chẳng hiểu vô tình hay cố ý, làm máu chảy ướt đẫm áo quần bố tôi.
Không thể kiềm chế được, tôi cầm tờ hóa đơn 6.000 đồng và nói: "Chỉ vì hơn sáu nghìn đồng này, mà bắt bố tôi phải đau đớn nằm đây gần nửa tiếng đồng hồ?". Nếu không có mẹ và vợ tôi can ngăn, chắc tôi đã không kiềm chế được.
Tôi nghe thấy bố cằn nhằn: "Có gì mà nó nói ầm ĩ quá vậy?" Đó là câu nói cuối cùng, tôi nghe được bố tôi nói. Đúng hay sai, vào hoàn cảnh, tâm trạng đó thì mới hiểu được. Đưa bố tôi về đến nhà trời chạng vạng sáng, bố cũng đỡ rất nhiều, ngủ thiếp đi chắc vì mệt.
Tôi về nhà ngủ, chiều chủ nhật điện thoại sang hỏi, mẹ bảo bố đã hết đau rồi. Tối đó, chị và lũ em tôi cũng về rồi, nên tôi an tâm nên không sang thăm bố. Sáng thứ Hai đáng nhớ hôm sau, bố tôi gục xuống khi đang ăn bữa sáng, mẹ đi chợ về hoảng hốt nhờ hàng xóm gọi tụi tôi. Khi tôi chạy đến, bố đã ngủ không bao giờ tỉnh dậy, trên tay cậu em rể.
Trong lúc bối rối quáng quàng, một lần nữa tôi lại đưa bố vào cái phòng cấp cứu đó, cũng chỉ vì nó gần nhà bố mẹ tôi nhất. Một tiếng sau, khi đã định thần lại, tôi và mấy đứa em chuyển bố đi bệnh viện khác. Mặc dù tốn kém, nhưng bố đã được chăm sóc, chữa trị chuyên nghiệp, tận tình, chu đáo nhất, bởi những người từ mẫu chân chính.
>> 'Lương bác sĩ mới ra trường không nổi hai triệu đồng'
Bố tôi đã lặng lẽ ra đi sau một giấc ngủ gần 30 ngày ở một bệnh viện tốt nhất thành phố, trong niềm tiếc thương vô hạn của mẹ và chị em chúng tôi. Cho đến bây giờ, gần hai năm sau, tôi vẫn không ngừng dằn vặt bản thân: "Giá như tôi sáng suốt, không đưa bố vào cái phòng cấp cứu khủng khiếp đó.
Những gì tôi nói ra trên đây là một lỗ đen trên một bầu trời trong xanh. Xã hội ngày nay phát triển theo quy luật đào thải cặn bã. Ai cũng biết, nhưng sẽ chẳng ai quan tâm đến việc bảo vệ một lỗ đen. Hãy nhìn vào bản chất của vấn đề, một y, bác sĩ có tránh nhiệm, có lương tâm, ứng xử tôn trọng, văn minh, lịch sự sẽ không bao giờ gây bức xúc để đến nỗi bị đuổi đánh?
Thật vô lý và phí phạm thời gian, tiền bạc của xã hội để nghĩ đến biện pháp bảo vệ những người y, bác sĩ hành xử vô cảm, thiếu trách nhiệm. Họ phải tự bảo vệ mình bằng cách thay đổi và thích ứng với cách hành xử có trách nhiệm, lương tâm và lịch sự.
Phạm Thế Hùng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.