Hiện nay, tôi thấy có rất nhiều giáo viên than thở, lo lắng vì học sinh không biết viết Văn. Nhiều em không biết thực hành viết một bài làm văn theo đúng yêu cầu, viết sai chính tả, ngữ pháp, đấy là chưa kể đến việc hiểu và tiếp nhận tác phẩm. Đa phần học sinh không thể tự viết được một bài Văn bằng chính sự suy nghĩ và cảm nhận của mình, mà nếu viết được đi chăng nữa thì cũng là những câu văn ngô nghê, những ý tưởng "cười ra nước mắt".
Nguyên nhân trực tiếp lý giải cho thực trạng này chính là sự thờ ơ, vô cảm coi nhẹ môn Văn của học sinh và thậm chí cả của các bậc phụ huynh. Điều đó dẫn đến các em học sinh không có được sự say mê, hứng thú học Văn, đọc Văn. Học sinh bây giờ đọc tác phẩm Văn học, đọc sách có định hướng quá ít.
Tôi là người yêu môn Văn từ nhỏ. Từ khi học phổ thông, tuy học lớp chuyên Anh nhưng tôi rất mê đọc sách Văn học, mê viết lách và rất hứng thú với môn học này. Sau này, khi làm mẹ của hai cô con gái, tôi lại tìm cách truyền lửa cho các con yêu thích học môn Văn bằng nhiều hình thức khác nhau.
Để khơi nguồn cảm hứng yêu thích môn học này, tôi cho con viết thư gửi ông bà, cha mẹ, cô giáo; viết bưu thiếp chúc mừng và cảm ơn thầy cô giáo, bà, mẹ vào các dịp lễ 8/3, 20/10, 20/11; viết ra các bài Văn, bài thơ do con sáng tạo; viết nhật ký những việc đã xảy ra hàng ngày với con; viết ra những ước mơ, mong muốn mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm.
Mỗi khi đưa con đi chơi, thấy cảnh đẹp, tôi cũng dừng xe, cho con xuống quan sát. Dạy con biết yêu thiên nhiên không nhất thiết cứ phải đi du lịch, về với rừng núi, đồng quê. Nếu không có điều kiện, bạn có thể dạy con biết yêu cảnh đẹp giản dị ngay xung quanh mình. Tôi cứ gieo vào con sự cảm nhận về cái đẹp, kích thích trí tưởng tượng. Nhờ đó, sau này khi con viết Văn, các ý đến rất nhanh với hình ảnh sinh động, đẹp đẽ.
Đây không chỉ là cách để con bày tỏ cảm xúc của mình mà còn biết cách nói yêu thương người khác, đồng thời rèn luyện khả năng diễn đạt ngôn từ. Thông qua các hoạt động đơn giản hàng ngày, trẻ sẽ lĩnh hội được vốn từ phong phú, cách diễn đạt trôi chảy hơn.
Ngoài ra, tôi cũng dạy con phải đọc kỹ trước các tác phẩm Văn học trong sách giáo khoa. Bởi sách giáo khoa cung cấp cho học sinh những kiến thức về Văn học, những rung động nghệ thuật đầu tiên để từ đó kích thích lòng yêu, say mê văn chương, từ đó mở rộng chân trời Văn học trước mắt các em.
Chỉ đọc sách giáo khoa thì chưa đủ, tôi còn tạo thói quen đọc nhiều thể loại sách cho con từ nhỏ để con có thêm vốn từ vựng, phát triển ngôn ngữ, cảm xúc và cách diễn đạt. Đọc sách giúp con cải tiến tư duy ngôn ngữ. Những đứa trẻ yêu thích đọc sách cũng thường ít mắc lỗi về chính tả hơn. Tôi còn dẫn con đi thư viện đọc sách vào cuối tuần, mượn sách về nhà đọc, tối nào cũng đọc sách khoảng 30 phút đến một giờ đồng hồ. Các loại sách mà tôi hướng con đọc thường là sách Văn học, Lịch sử, Khoa học, Ngoại ngữ, Giáo dục giới tính, Kỹ năng sống...
Tôi dạy con mỗi khi con đọc sách thấy có câu văn, câu thơ nào hay thì luôn có thói quen ghi chép lại vào một quyển sổ riêng và học thuộc. Đến lúc cần thiết, con có thể vận dụng và trích dẫn những câu văn, câu thơ hay đó vào bài viết của mình một cách phù hợp. Tôi dạy con như thế vì tôi nghĩ rằng học Văn và đọc Văn ngoài chương trình giảng dạy là hai việc gắn liền với nhau, chúng hỗ trợ và kích thích lẫn nhau.
Việc học không nên chỉ gói gọn trong sách giáo khoa. Trang sách giáo khoa luôn gợi mở và nếu như ta có lòng say mê, nó sẽ dẫn ta vào cuộc thám hiểm đầy bất ngờ thú vị. Khi con có thói quen đọc sách hàng ngày, con sẽ tự học, tự tích lũy thêm rất nhiều kiến thức ở các lĩnh vực mà nhiều khi cô giáo hay bố mẹ cũng không biết hết được.
Mỗi khi con viết Văn, tôi luôn dạy con làm sơ đồ dàn ý (gồm có các nội dung nào, sắp xếp theo thứ tự ra sao?). Sau khi con đã vẽ được sơ đồ thì coi như bài Văn cũng gần hoàn thành. Việc viết Văn thông qua sơ đồ này cũng giúp cho con thấy hứng thú hơn. Và sau khi con đã hoàn thành một bài Văn, tôi luôn đọc lại từng câu con viết và nhận xét chi tiết để con cảm thấy mẹ rất quan tâm đến sản phẩm của mình và ghi nhận sự cố gắng của con. Học Văn theo từng ý của sơ đồ con sẽ thuộc bài rất chủ động, không bị rơi vào cảnh quên mất một câu là quên luôn cả đoạn Văn.
Tôi không bao giờ mua sách Văn mẫu cho con đọc. Tôi khuyến khích con tự viết theo suy nghĩ và trí tưởng tượng của mình. Nếu con viết chưa tốt, tôi sẽ góp ý cho con sửa chứ không chép theo Văn mẫu. Bởi tôi mong muốn có thể truyền lửa giúp con yêu việc viết lách, coi đó là một phần của cuộc sống, để từ đó biết nhìn nhận sự vật dưới góc nhìn nhân văn, sống động, thú vị...
Tôi cũng không đặt quá nhiều áp lực, luôn khích lệ con đúng lúc. Viết Văn là cách bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ của trẻ. Mỗi trẻ có cách hành văn khác nhau, cách nhìn nhận cuộc sống đa chiều khác nhau. Thế nên, tôi không ép buộc con phải làm theo ý mình, cũng không kỳ vọng con phải viết hay được như tôi ngày xưa. Một câu động viên, khích lệ sẽ làm thay đổi rất nhiều suy nghĩ của con. Cùng với đó, những lời chê ác ý cũng vô tình làm con tổn thương. Nên khi chất lượng bài viết con chưa tốt, cha mẹ cũng cần có cách góp ý để con cảm thấy thoải mái và dần tiến bộ trong những bài sau.
Tóm lại, học Văn không chỉ trau dồi cho học sinh vốn ngôn ngữ đa dạng mà còn giúp hình thành nhân cách cho trẻ. Tuy nhiên, không phải bạn nhỏ nào cũng thực sự thích thú với môn học này. Vì vậy, cha mẹ cần phải tạo cho trẻ sự hứng thú bằng nhiều cách. Việc học Văn, dạy Văn trong nhà trường chúng ta nếu làm thật tốt sẽ đem lại cho mỗi một học sinh một hành trang tinh thần vô cùng quý giá. Tôi hy vọng bài viết này là cung cấp thêm thông tin để quý phụ huynh tham khảo, qua đó truyền lửa cho con mình yêu thích học Văn.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Tư duy văn mẫu biến học sinh thành robot cảm thụ
- Việc cần làm để xóa bỏ tư duy văn mẫu
- Tôi học được gì từ văn mẫu?
- Học sinh không dám viết văn lệch chuẩn
- Học sinh 'đánh vật' với những bài Văn tả cảnh, phân tích
- Học sinh Việt viết Văn 'mười bài như một'