Gia đình tôi đang sinh sống, học tập, và làm việc ở Đức. Con trai lớn của tôi năm nay 14 tuổi, đang hòa nhập khá tốt với môi trường nước ngoài dù sang Đức từ năm 9 tuổi - khi không biết ngoại ngữ. Sau ba năm, tiếng Đức, tiếng Anh của con giỏi ngang tiếng Việt và giao tiếp được bằng cả tiếng Nga. Chỉ có điều, để diễn đạt một vấn đề nào đó cho đúng câu cú, ngữ pháp tiếng Việt thì con tôi vẫn còn lóng ngóng. Con viết chữ còn sai chính tả, và nhiều từ không biết viết, nhưng nhìn chung giao tiếp khá dễ dàng.
Ở nhà con tôi vẫn được duy trì thói quen nói chuyện với mẹ bằng tiếng Việt. Tôi hướng dẫn con tiếng Việt mỗi ngày, chỉ cho con cặn kẽ mỗi khi con nói sai hoặc hiểu sai từ. Nhưng khi gặp một chuyện gì đó bất ngờ, thì câu nói biểu lộ cảm xúc phát ra nhanh nhất lúc đó của con vẫn là tiếng Đức. Tôi không ngạc nhiên bởi tiếng Đức vẫn là ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày của con ở bên ngoài. Việc suy nghĩ bằng tiếng Việt với con sẽ mất rất nhiều thời gian mà chưa chắc đã nói đúng. Con sợ nói sai sẽ bị mẹ la mắng nên cứ thế nói tiếng Đức cho nhanh và chuẩn.
Nhiều lúc, con tôi than thở: "Sao cùng một người mà trong tiếng Việt, người này kêu "cô", người kia kêu "dì" vậy mẹ? Rồi còn "dì ruột" và "dì không ruột"-, em trai và anh trai của cha phải gọi khác nhau, em trai và anh trai của mẹ lại kêu giống nhau...? Cuối cùng con tôi tổng kết: "Mệt đầu quá". Cũng dễ hiểu cho suy nghĩ của con vì trong tiếng Đức, mọi thứ đơn giản hơn nhiều.
Còn đứa nhỏ của tôi hiện vẫn nói tiếng Việt pha lẫn tiếng Đức, vì vốn từ tiếng Việt của con không đủ để diễn đạt trọn vẹn ý. Khi ngồi chơi đồ chơi một mình, tôi để ý con nói toàn tiếng Đức. Với con, đấy mới là ngôn ngữ gắn bó nhất ngay từ bé.
>> 11 năm dạy con 'Tây' nói tiếng Việt
Tất nhiên, bản thân tôi cũng không hề muốn các con quên mất tiếng Việt. Thế nên, tôi thường xuyên cho con xem hình người thân ở Việt Nam và gọi điện mỗi ngày để các con tôi nhớ tên, nhớ mặt từng người. Năm nào, tôi cũng cho các con về Sài Gòn nghỉ hè và dẫn con đến nhà bà con, họ hàng để không bị mất gốc. Tôi cũng cho con đi tham quan nhiều di tích lịch sử của thành phố quê hương, giúp con không quên nơi mình sinh ra.
Con lớn của tôi rất thích các món ăn ở Việt Nam. Con mê đến nỗi lần nào cũng háo hức về nước, thường mua nhiều quà lưu niệm đậm chất Việt Nam để tặng bạn bè, thầy cô ở Đức. Con còn mua cả trang phục xưa của người dân Nam bộ và tập hát một điệu lý để giới thiệu về văn hóa Việt Nam trong tiết học âm nhạc ở trường.
Chỉ có đứa nhỏ nhà tôi không hợp đồ ăn Việt do đã quen ăn đồ Tây từ bé, thế nên con chỉ thích ở nhà mình. Tuy nhiên, tôi cũng không quá lo lắng con sẽ mất gốc vì tin rằng sau này lớn lên, bé cũng sẽ thích những thứ thuần Việt như anh trai mà thôi.
Tóm lại, tôi tin rằng, dù cách sống và suy nghĩ có giống Tây như thế nào, thì các thế hệ trẻ Việt ở nước ngoài chắc chắn vẫn sẽ không mất gốc. Cứ để các con hòa nhập trước rồi cha mẹ từ từ dạy về văn hóa truyền thống sau. Quan trọng là chúng ta có muốn dạy hay không mà thôi. Điều này tùy vào định hướng của mỗi gia đình.
>> Lớp trẻ Việt kiều nơi bạn sống đang nói tiếng Việt như thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.