Tôi là nữ, hơn 40 tuổi, sống ở Bỉ đến nay được gần 15 năm. Bỉ là một đất nước có diện tích khiêm tốn, nhưng là một trong số ít quốc gia sử dụng đa ngôn ngữ. Tùy theo từng vùng, người dân có thể sử dụng tiếng Pháp, tiếng Hà Lan hay tiếng Đức.
Chồng tôi cũng là người Bỉ. Hai con gái của tôi lần lượt 13 và 12 tuổi, được sinh ra trên đất Bỉ. Chúng tôi sống ở vùng nói tiếng Pháp. Vì vậy, các con tôi học bằng tiếng Pháp ở trường, ngoại ngữ phụ là tiếng Hà Lan và tiếng Anh. Khi có chồng ở nhà, chúng tôi giao tiếp bằng tiếng Pháp với các con. Nhưng nếu chỉ có ba mẹ con, chúng tôi sẽ nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Và chúng tôi đã thống nhất cùng nhau như vậy từ rất lâu.
Trước đây, khi còn sống ở Việt Nam, tôi thấy tiếng Việt là ngôn ngữ bình thường, không có gì đặc biệt. Chỉ khi bắt đầu sống ở nước ngoài, tôi mới cảm nhận được tiếng Việt rất phong phú và đa dạng, mà không ngoại ngữ nào diễn tả hết được. Vì vậy, tôi bắt đầu dạy con nói từ những câu đơn giản, hoặc nghe nhạc thiếu nhi của bé Xuân Mai khi con được 2,5 tuổi. Đến nay, các con đã biết gần 20 bài hát thiếu nhi.
Tùy theo lứa tuổi, tôi còn dạy con hát thêm những bài nhạc xuân của Việt Nam. Tôi cũng quay lại hết những video con học hát để sau này cho chúng xem lại. Xin nói thêm, tôi hát không hay, nhưng với thời đại công nghệ thông tin hiện nay, nhờ có YouTube, con tôi có thể vừa hát vừa xem, nên học thuộc lời và giai điệu rất nhanh.
Khi con đòi ăn kẹo và nói bằng tiếng Pháp: "Maman, je veux des bonbons". Tôi kiên quyết từ chối bắt đầu dạy con nói bằng tiếng Việt. Lúc đầu, con rất ngạc nhiên với đề nghị của tôi. Nhưng để ăn được kẹo, con cố gắng nói tốt nhất có thể. Cứ thế, con lặp lại hai, ba lần câu: "Má ơi, con muốn ăn kẹo". Khi nghe con cố gắng bập bẹ tiếng Việt, tôi đã rất vui. Con cũng vui vì có được kẹo để ăn. Trong câu nói diễn tả bằng tiếng Việt của một đứa trẻ, tôi thấy dạt dào tình cảm, và đáng yêu làm sao!
Kể từ đó, tôi lấy lý do, khi con yêu cầu gì, phải nói bằng tiếng Việt, như: "Má ơi, con muốn ra vườn chơi", hay "Con muốn uống nước"... Từ những câu đơn giản này, các con dần dần hình thành thói quen, phản xạ nhanh hơn khi giao tiếp bằng tiếng Việt. Hiện nay, các con đã nói được nhiều hơn, từ những câu nói hàng ngày như: "Con chào má", "con cảm ơn", "chúc má ăn ngon miệng", "chúc má ngủ ngon"... cho tới những câu bày tỏ tình yêu thương như: "Con thương má nhiều lắm"...
Cũng qua những cách trao đổi ngắn gọn này của mấy mẹ con, chồng tôi cũng dần hình thành, thói quen nói tiếng Việt khi ở nhà. Nhờ đó, mỗi khi về Việt Nam, với vốn từ có được, chồng con tôi tự tin, thoải mái chào hỏi mọi người bằng tiếng Việt. Thế mới thấy, tiếng Việt gắn kết mọi người gần nhau hơn, sống tình cảm hơn, và không bị cô lập.
>> Nỗi lo con 'Tây' mất gốc tiếng Việt
Đến giờ, tôi vẫn duy trì thói quen mỗi tuần, đó là dành một buổi, từ 1-2 giờ, để dạy con viết chính tả. Vì các sách giáo khoa đa số được soạn và in ấn theo chuẩn chữ phổ thông, trong khi tôi xuất thân ở miền Nam, nên tôi dạy các con, theo cách nói của cả hai miền Nam - Bắc. Ví dụ: heo - lợn, ba - bố, trễ - muộn... Lúc đầu, các con thấy rất lạ và khó nhớ. Nhưng theo phương pháp vừa học vừa chơi, tôi thấy các con rất thích và đam mê tiếng Việt.
Hiện nay, các con có thể tự giới thiệu trôi chảy về bản thân bằng tiếng Việt, có thể viết một bài văn ngắn, kể về những việc đã làm trong kỳ nghỉ hè, những việc làm trong ngày... Tất nhiên, dù tự dạy và học, tôi vẫn cố gắng truyền tải đủ các kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết cho con.
Nhờ những chuyến về thăm gia đình bên ngoại hàng năm, con tôi có dịp thực tập và học thêm từ vựng mới rất nhiều. Thực tế, sau khi về trở lại Bỉ, tiếng Việt của các con tiến bộ rõ rệt: cách phát âm chuẩn hơn, từ vựng dồi dào hơn, nói nhiều và trôi chảy hơn. Nói chung, dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài không phải dễ, nhưng cũng không có nghĩa là không làm được. Nếu cha mẹ quyết tâm, dành thời gian, thì việc đó hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Ngoài ra, mỗi sáng thứ bảy, tôi đều cho các con đến dạy lớp tiếng Việt do Đại sứ quán tổ chức. Việc học như vậy đã duy trì được khoảng sáu năm. Ở đó, các con được gặp gỡ những trẻ Việt khác, để vui chơi, và học thêm những điều mới. Các con thật sự rất hào hứng. Vì vậy, hàng năm, con tôi đều chọn Việt Nam làm điểm đến cho kỳ nghỉ hè. Vì ở đó, các con cảm thấy thoải mái, như ngồi nhà thứ hai, quê hương thứ hai của mình.
Thực tế, mỗi quốc gia đều có ngôn ngữ riêng của họ. Những người nhập cư từ nhiều quốc gia khác nhau như khu vực Bắc Phi (Tunisie, Maroc), khi có con cái, trẻ thường được học bằng tiếng Pháp, Anh, Hà Lan khi ở trường. Nhưng ở nhà, tôi thấy họ vẫn giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Nói chung, người ta làm được, thì mình cũng phải làm được. Nếu không, người Việt sẽ thua các nước khác một bước trong vấn đề sử dụng ngôn ngữ Việt, và lớn hơn là lưu giữ văn hóa Việt.
Đây là những kinh nghiệm thực tế, tôi rút ra được từ chính câu chuyện cuộc sống hằng ngày của mình. Hy vọng, những điều này sẽ có tác động tích cực với các gia đình người Việt ở nước ngoài, nếu các bạn đang phân vân về việc có nên dạy con tiếng Việt? Dù không sống ở Việt Nam, nhưng tôi rất yêu quê hương, yêu tiếng Việt. Thế nên, tôi cũng muốn các con hiểu hơn văn hóa, truyền thống, phong tục của người Việt, thông qua chính việc học tiếng Việt.
Học một ngôn ngữ, đôi khi phải học cả đời. Nhưng tôi rất hài lòng, về nhưng gì mình đã và đang làm. Chúc các bạn sẽ dạy và học tiếng Việt với nhiều đam mê và thích thú.
Đoàn Hồng Ngọc
>> Lớp trẻ Việt kiều nơi bạn sống đang nói tiếng Việt như thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.