Khi ngồi tranh luận xung quanh câu chuyện "Tiếng Anh quan trọng như thế nào?, tôi nghĩ ai cũng có lý của mình. Sẽ có không ít người bảo lưu quan điểm xem nhẹ giá trị của ngoại ngữ, như trong bài viết "Ảo tưởng 'Tiếng Anh như tấm hộ chiếu thông hành'". Nhưng nếu làm việc trong môi trường doanh nghiệp nước ngoài, tôi tin bạn sẽ thấy giá trị của tiếng Anh là mạnh đến cỡ nào.
Tôi đã làm cho công ty nước ngoài từ hồi còn rất kém tiếng Anh, dù tôi đã học bao nhiêu năm, lăn lộn hết các trung tâm ngoại ngữ. Tôi nhận ra rằng, khi giao tiếp bằng tiếng Anh khó khăn, tự khắc tôi sẽ bị đào thải trong môi trường khắc nghiệt đó. Cứ hình dung sếp nước ngoài trao đổi công việc mà bạn chẳng hiểu ông ấy muốn nói gì, trong cuộc họp bạn cũng không hiểu người ta thảo luận chuyện gì, vậy thì sao làm được việc?
Trong khi đó, nếu có một người giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, dù năng lực của người đó có yếu hơn bạn một chút, thì tự khắc họ vẫn sẽ được trọng dụng nhiều hơn. Đến một lúc nào đấy, bạn sẽ thấy mình bị đứng ngoài cuộc vì lúc nào cứ phải có một người phiên dịch cho mình. Vì thế lương của bạn sẽ không thể cao cho đến khi bạn vượt qua trở ngại đó. Khi bạn bị loại trừ thì tiếng Anh của bạn cũng sẽ càng tụt hậu vì không thể được giao tiếp thường xuyên.
Tôi đã từng bước đi lên từ một người yếu tiếng Anh, đến khi có thể giao tiếp đủ tầm cho những công việc cao cấp, tham gia vào các cuộc họp quan trọng bằng ngoại ngữ. Khi ấy, tôi mới thấy mình đủ lớn để vươn xa.
>> 'Ảo tưởng sức mạnh khi có IELTS'
Tôi cũng có người đồng nghiệp vào công ty sau mình. Tiếng Anh của anh ta phải nói "quá đỉnh", nhưng chuyên môn hơi yếu. Nhưng sau một thời gian làm việc, bản thân anh ta có thể làm nhiều việc quan trọng vì đơn giản cấp trên nói gì anh để hiểu hết. Khi không rõ một khía cạnh chuyên môn nào đó, anh lại nhờ Google một chút. Cứ thế, đến nay, anh đã làm cho Microsoft với mức lương rất cao.
Vậy nên mới nói, nếu có cả chuyên môn lẫn ngoại ngữ thì quá tuyệt. Nhưng nếu kém tiếng Anh, bạn sẽ khó vươn xa trong môi trường nước ngoài. Người ta nói mà bạn không hiểu thì đương nhiên chẳng thể làm gì được ngoại việc cười trừ.
Tiếng Anh không hề lãng phí, không học mới là lãng phí. Tại sao các nước Ấn Độ hay Malaysia đều coi tiếng Anh là ngôn ngữ chính? Vì họ cần thoát khỏi cái khổ. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Khi có ngoại ngữ, bạn có thể tự tin nói chuyện với người nước ngoài mà không e ngại, có thể đáp ứng mọi yêu cầu trong công việc khi làm trong các công ty nước ngoài, có thể du lịch tới các nước mà không cần phiên dịch. Và quan trọng nhất là bạn sẽ có thêm một ngoại ngữ làm hành trang khi cần.
Hai con của tôi giờ đều có thể giao tiếp đủ ổn khi làm việc cho công ty nước ngoài. Có ngoại ngữ, bạn có thể làm việc dễ dàng hơn, có thể đạt mức lương tốt hơn. Hãy thay đổi tư duy để con cái tránh bị tụt hậu, đừng để lúc cần mới thấy tiếc tại sao mình không học ngoại ngữ sớm hơn?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.