"Tôi vẫn nhớ mãi, hôm trước ngày anh tôi lấy vợ, ba kêu tôi lại, nói ngắn gọn một câu:'Thương anh là không được làm khó chị dâu nha con'. Sau này, tôi mới hiểu hết ý nghĩa câu nói đó của ba, rằng chị dâu có vui vẻ, thoải mái thì anh trai mình mới hạnh phúc được.
Vì thế, suốt chiều dài cuộc hôn nhân của anh chị, tôi luôn làm mọi thứ để chị dâu cảm thấy dễ chịu nhất khi sống ở nhà chồng. Tôi không bao giờ o ép, đòi hỏi chị bất cứ điều gì. Chị có lỡ tay làm sai cái gì, tôi cũng đều nhận với mẹ rằng đó là do tôi làm hoặc tôi xúi chị làm. Tôi cũng thường tỉ tê khuyên mẹ đừng câu nệ, chấp nhặt với chị cho nhà cửa êm ấm.
Nói về câu chuyện Tết nội hay Tết ngoại, tôi cho rằng thật ra đây cũng chỉ là một ngày lễ trong năm mà thôi. Trước đây không có dâu, gia đình tôi vẫn tự lo Tết được. Vậy tại sao khi có dâu rồi lại cứ nằng nặc đòi hỏi khác trước kia, rằng con dâu phải ở bên nội, lo toan thứ này, thứ khác cho nhà chồng? Ngày Tết là để vui, nếu không thể khiến nó vui hơn ngày thường thì ít nhất cũng đừng làm cho nó thành u ám.
Nhà bác sui cách nhà tôi hơn 100 km, hầu như Giao thừa nào anh chị tôi cũng về bên đó với hai bác. Và đương nhiên, ba mẹ tôi chẳng hề có ý kiến gì. Có năm, tôi phải về đón Tết bên chồng, nên chị dâu ngại, không dám về ngoại. Thấy vậy, mẹ tôi vẫn giục vợ chồng anh tôi: 'Soạn sẵn mâm cúng Giao thừa rồi để đó là được, còn hai đứa cứ về ngoại chơi, tối mẹ cúng cho, không sao cả'.
>> Tôi khiến vợ con bỏ ý định về ngoại ăn Tết
Cùng là con gái, phận làm dâu, tôi thấm thía hơn ai hết rằng con nào cũng là con, ai cũng có cha, có mẹ, cũng phải lo hiếu nghĩa chu toàn. Nếu không thể chung sống một cách thân thiết như người nhà được thì tốt nhất cũng đừng quá o ép con dâu.
Không cho về ngoại ăn Tết được mỗi năm thì ít ra cũng nên xen kẽ nằm này năm kia. Chứ cứ giữ rịt dâu ở nhà mình ăn Tết để làm gì? Rồi lỡ may gặp phải nàng dâu cá tính, gia đình nhỏ của con mình tan tác mỗi đứa một nơi vậy thử hỏi cha mẹ có vui nổi không? Nếu ai vui được trên nỗi buồn của con cái thì tôi cũng hết nói nổi.
Đối với dâu - rể, theo tôi các bậc cha mẹ cứ xác định rằng mình nên làm mọi thứ, cốt yếu là vì người nhà mình, miễn sao giữ được hòa khí cho con cái là vui vẻ rồi. Thực ra, ban đầu mẹ tôi cũng hơi lăn tăn, chống đối khi thấy con trai và con dâu năm nào cũng kéo về ngoại. Nhưng sau đó, tôi hỏi mẹ một câu: 'Mẹ có thương anh không? Anh buồn phiền khổ sở, mẹ có vui không?'.
Rồi tôi khuyên mẹ nghĩ thoáng ra, ba và tôi làm được thì mẹ cũng làm được: 'Có thể mẹ hả hê chút xíu nhưng anh chị sẽ khó chịu quanh năm. Là người mẹ, người thân, gián tiếp đem lại sự ngột ngạt cho gia đình nhỏ của con mình thì mẹ có cảm thấy vui không? Cảm giác thỏa mãn khi trên cơ con dâu có đáng không? Vậy là mẹ đã thương con mình chưa?'. Và rồi mẹ tôi cũng nghĩ thông.
Cho nên, theo tôi, tốt nhất không nên thắc mắc đúng sai gì cả. Cứ người nhà mình được sống vui vẻ, hạnh phúc đã là thành công, thắng lợi to lớn rồi".
Đó là chia sẻ của độc giả Minh Phương xung quanh câu chuyện xung đột ngày Tết được nêu trong bài viết "Đau khổ tột cùng vì tranh cãi về ăn Tết nội hay ngoại". Theo đó, tác giả Phtuandat kể về tình cảnh bế tắc của bản thân khi bố gia trưởng, nằng nặc muốn con cháu phải ăn Tết nhà nội, trong khi vợ lại cứng đầu nhất quyết không chịu nhún nhường, đòi về ngoại, dẫn đến căng thẳng gay gắt.
Cùng với sự phát triển của xã hội, người phụ nữ hiện đại với vị thế mới dần có những tư tưởng khác về chuyện Tết nội - Tết ngoại. Thay vì cam chịu tuân theo cũng quan niệm truyền thống (lấy chồng theo chồng), ngày càng có nhiều người đòi hỏi công bằng, được về ngoại ăn Tết.
- Tự làm khổ mình vì Tết
- Cả Tết ăn đồ thừa
- Mẹ tôi mấy chục năm nấu cỗ Tết
- Than thở 'mất chơi Tết vì quần quật nấu ăn'
- 30 năm ám ảnh dọn dẹp, nấu nướng ngày Tết
- Đừng ép nhau 'trình diễn hạnh phúc' ba ngày Tết