Nói về câu chuyện ngày Tết, vì ảnh hưởng của tín ngưỡng, nên nhiều gia đình Việt đến giờ vẫn rất nặng nề cái Tết. Vì nặng về cúng bái, lễ nghĩ nên nhiều gia đình không cúng thì thấy tội lỗi mà cúng thì bày vẽ ra đủ thứ rườm rà, cầu kỳ, mệt mỏi. Nói cách khác, cúng Tết không hề phức tạp, chỉ là tự chúng ta là mình khổ mà thôi. Khi buông bỏ được, bạn sẽ thấy chuẩn bị Tết nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Tôi lấy ví dụ riêng chuyện cúng bái cũng đủ kiểu. Nhiều nhà đòi hỏi mâm cỗ thắp hương gia tiên phải có gà trống luộc (không được thiến, không chặt). Nhưng có nhà khác lại muốn cúng gà mái vì họ nghĩ trứng đi đôi với lộc. Thậm chí dân đi biển còn cúng vịt. Xưa thì trái cây mùa nào thức nấy mang cúng các cụ, vì thế nên chỉ bưởi, bòng, chuối, quất... Giờ xã hội phát triển, nông dân lai tạo tốt, quả gì cũng có quanh năm. Trong Nam thì cúng chuối Tây - quả ngắn. Ngoài Bắc thì chuối tiêu - quả dài.
Nói vậy để thấy, riêng về khoản phong tục truyền thống đã mỗi vùng mỗi khác, nên chẳng có gì gọi là quy chuẩn bắt buộc phải thế này, thế khác cả. Bạn cứ yên tâm có gì cúng nấy, chắc chắn không ai về "vật" con cháu cả. Mỗi ngày cứ sống tử tế thì tôi tin ông trời sẽ an bài. Đừng phú quý sinh lễ nghĩa, cứ tự bày vẽ ra thứ này thứ nọ để rồi chuốc thêm mệt mỏi, phiền não về mình.
Tôi là phụ nữ, vốn dĩ cũng không thích phục vụ ai. Nhưng tôi luôn quan niệm cái gì thuộc lễ nghĩa thì tôi vẫn vui vẻ làm. Cúng bái ngày Tết cũng vậy, không nên bỏ hoàn toàn, nhưng làm thế nào là tùy hoàn cảnh, điều kiện, quan niệm của mỗi người, miễn sao không khiến mình thêm mệt mỏi, gánh nặng, mà vẫn giữ trọn vẹn được cái hồn của một phong tục đẹp.
>> Sao phải căng thẳng với những câu hỏi kém duyên ngày Tết
Tôi chẳng bảo ai đi chơi Tết là bất thường là không thể chấp nhận được. Vì xét cho cùng, mỗi gia đình mỗi khác. Bạn cứ làm những gì mà mình nghĩ là hợp lý và thoải mái nhất. Tôi chỉ thấy lạ là nhiều người cứ đến Tết mới dám ăn ngon, cỗ bàn linh đình, thậm chí là thừa mứa. Bày vẽ ra như vậy nên mới càng thấy mệt mỏi khi phải nấu nướng, chuẩn bị ngày Tết.
Thực tế, giờ chợ truyền thống họp xuyên Tết, cùng lắm chỉ nghỉ mỗi sáng Mùng một. Ấy vậy mà nhiều người cứ như bị cấm túc cả tuần không được ra ngoài mua sắm. Họ cứ mua thực phẩm nhiều hết mức có thể rồi về nhét đầy tủ lạnh để ăn dần. Rồi sau đó chính họ lại thản thở vì cả Tết phải ăn đồ thừa, đồ cũ.
Mua bánh, mứt, kẹo bày Tết cũng thế. Giờ người ta thăm chúc nhau cũng chỉ chốc lát, ai lịch sự thì nhấm nháp một chút, đồ ăn thức uống cũng chủ yếu gia chủ tự ăn. Thế thì tại sao chúng ta không mua những thứ gì mình thích, mình ăn được mà cứ phải "đua sắm" cho đủ thứ này, thức kia dù có khi chẳng động tới. Sau Tết, những thứ ấy đem bỏ thì phí, mà ăn cũng chẳng được.
Nói tóm lại, Tết mệt mỏi hay thảnh thơi, tiết kiệm hay tốn kém, vừa đủ hay phí phạm hoàn toàn do bản thân mỗi người tự quyết định và điều chỉnh. Bạn không cần phải chạy theo, bắt chước người khác. Chỉ cần làm sao cho đúng với nhu cầu, hoàn cảnh, sở thích của mình là đủ, đó mới là một cái Tết trọn vẹn.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.