"Đọc bài viết 'Cả năm yên ấm, tết đến lại căng thẳng chuyện ăn tết nội ngoại', tôi rất đồng cảm với chia sẻ của tác giả Hải Nam về những tranh cãi xung quanh câu chuyện ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại? Có lẽ chỉ những ai trong hoàn cảnh tương tự mới hiểu hết nỗi khó xử khi ở giữa cuộc xung đột: một bên đại diện cho quan niệm hiện đại (bố mẹ bên nào cũng như nhau, phải đối xử công bằng) và bên kia là tư tưởng truyền thống phải ưu tiên nhà nội trước.
Thực ra, phận làm con trai, tôi hiểu bố mẹ cũng mong muốn con cháu sẽ ở bên trong những ngày Tết. Vì chữ "hiếu", đương nhiên tôi cũng không thể cãi lại bố mẹ mình, nói chuyện bằng lý lẽ của người trẻ thời đại mới được. Nhưng vợ tôi cũng có cái lý riêng, tôi không muốn vợ chịu thiệt thòi, hay phân biệt đối xử gì với nhà ngoại.
Đỉnh điểm xung đột của gia đình tôi là trước Tết năm ngoái. Bố mẹ cãi nhau rất gay gắt với vợ tôi vì chuyện ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại? Tình hình căng thẳng, không ai chịu ai, đến nỗi vợ thẳng thừng dắt con về ngoại cả Tết. Còn tôi không nỡ bỏ bố mẹ một mình nên lủi thủi ở lại bên nội. Cuối cùng, Tết chẳng ai thấy vui vẻ gì, toàn là căng thẳng, không có một xíu nào gọi là không khí sum vầy.
>> Tôi khiến vợ con bỏ ý định về ngoại ăn Tết
Thời điểm đó, thú thật tôi muốn phát điên vì mọi thứ cứ ép chặt, đẩy mình vào thế tiến thoái lưỡng nan, nhưng không thể tìm được cách giải quyết sao cho êm đẹp. Nếu tôi chiều lòng bên này thì sẽ phật ý bên kia. Đối với tôi, Tết không còn là ngày vui mà là một thứ gì đó rất khủng khiếp, nó tra tấn mọi người trong gia đình chứ chẳng mang lại gì tốt đẹp cả.
Đọc nhiều bình luận của bạn đọc, tôi thấy không ít người nói rằng: 'Sao không mỗi năm ăn Tết một bên? Năm nay đón Tết nhà nội thì năm sau về ngoại chứ có gì đâu?'. Thực ra, tôi và vợ cũng đã tính như vậy từ trước, nhưng khổ nỗi bố mẹ tôi vẫn mang nặng tư tưởng xưa cũ nên nhất quyết không đồng ý. Tính bố tôi vốn gia trưởng nên cứ muốn con cái phải xong việc nhà nội rồi mới đi đâu thì đi. Trong khi đó, tính vợ tôi lại cứng đầu, nhất quyết không chịu nhún nhường, nể nang.
Cả năm đang bình yên, ấy vậy mà sắp đến Tết, tôi lại chỉ thấy được con đường "bỏ vợ, từ cha" hoặc câm lặng để ai muốn làm trời làm đất gì thì làm. Ngày Tết, tôi về nhà chỉ nằm một chỗ như cục đá, cố gắng rèn luyện tâm thần bất biến cho khỏi bị bức bối, phát điên. Nói thật, những người ở trong hoàn cảnh của tôi cũng chẳng có cách nào để giải quyết cho êm đẹp nếu cả hai bên đều cố chấp, không chịu hạ bớt cái 'tôi' xuống. Nếu là bạn thì bạn sẽ xử lý thế nào?".
Đó là trăn trở của độc giả Phtuandat xung quanh những tranh cãi về chuyện Tết nội - Tết ngoại. Câu chuyện này vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi mỗi dịp Tết đến xuân về, nhất là đối với những cặp vợ chồng có nội - ngoại ở xa nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, truyền thống của người phụ nữ Việt là "lấy chồng theo chồng", chính vì vậy trong những ngày Tết thường phải ăn tết nhà nội trước rồi mới về nhà ngoại. Nhưng ngày càng nhiều người phụ nữ hiện đại phản đối tư tưởng này, và đòi công bằng cho Tết ngoại. Liệu có giải pháp nào thực sự giải quyết được xung đột này không?
- Mệt 'bở hơi tai' mỗi lần về quê chồng ăn Tết
- 'Tết bày vẽ nấu nướng, dọn dẹp rồi than mệt'
- 30 triệu đồng vé máy bay về quê ăn Tết khiến tôi chùn chân
- Tôi về quê ăn Tết không nặng nề chuyện quà cáp
- Mệt mỏi vì năm nào cũng một xấp tiền về quê ăn Tết
- Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền ngăn con tôi về quê ăn Tết