"Học ngành nào không quan trọng, miễn là giỏi", đó là lời khuyên của một số người dành cho những bạn trẻ đang phân vân trong việc lựa chọn ngành học ở bậc Đại học. Tuy nhiên, cá nhân tôi không đồng tình với qua điểm đó.
Thị trường luôn vận hành theo quy luật cung - cầu. Điều đó có nghĩa, nếu bạn xuôi theo nhu cầu số đông của thị trường thì sau này sẽ dễ kiếm việc, dễ sống, có thu nhập tốt hơn. Ngược lại, nếu bạn chỉ chăm chăm vào việc học thật giỏi những ngành nghề không phải trên đỉnh thị trường thì khi ra trường cũng chỉ làm việc làng nhàng, lương thấp (do đất nước chưa mở rộng ngành nghề đó, bạn buộc phải lật đật đi sang nước khác làm việc mới có cơ hội phát triển).
Ví dụ, Kỹ sư viễn thông ra trường cơ hội việc làm không nhiều, trong khi đó, muốn nhảy qua làm IT hay Kỹ sư điện tử lại rất khó, bạn phải học lại nhiều, và thường chỉ xin vào được những công ty outsource lương thấp. Do đó, việc chọn đúng ngành ngay từ đầu là rất quan trọng, nó sẽ giúp bạn rút ngắn được đáng kể con đường dẫn tới thành công trong tương lai.
Bản thân tôi hiện giờ tuy không thất nghiệp, nhưng cũng từng thuộc dạng chán nản khi ra trường do học ngành không phù hợp ở đại học. Cũng may, vì sớm nhận ra sai lầm, cộng với lòng quyết tâm thay đổi thực tế, tôi đã cố gắng tiết kiệm được khoảng 10 triệu đồng rồi lập tức xin nghỉ việc. Lúc đó, tôi có lúc nộp đơn ứng tuyển vào gần 100 công ty (rải CV khắp các trang tuyển dụng). Trong thời gian chờ được gọi phỏng vấn, tôi tự mình ôn luyện, học thêm qua internet, trau chuốt hồ sơ xin việc, điều chỉnh lại cách ăn nói...
Để tăng cơ hội thành công, tôi còn chủ động liên lạc hỏi thông tin và sắp sếp thời gian đi phỏng vấn với bộ phận tuyển dụng của các công ty. Trong số 100 công ty, cuối cùng tôi cũng nhận được cuộc gọi của khoảng 20 doanh nghiệp. Tất nhiên, tôi cũng rớt phỏng vấn rất nhiều, nhưng cũng nhờ đó mà bản thân học được nhiều kinh nghiệm qua mỗi lần thất bại để cải thiện hơn trong tương lai.
Cuối cùng, cũng có nơi nhận tôi làm việc ở đúng mảng mà tôi thích. Tôi chấp nhận làm "fresher" (lính mới) với mức lương có phần hơi thấp. Tôi coi công việc đó làm đòn bẩy để tạo đà cho những bước tiến xa hơn trong tương lai. Suốt cả giai đoạn tìm việc kéo dài năm tháng đó, tôi chỉ ăn ngày hai bữa, chạy thêm xe ôm công nghệ mới đủ tiền duy trì cuộc sống. Cũng may mắn vì hồi đó chưa có Covid-19 nên tôi không bị rơi vào cảnh thất nghiệp.
Vài năm trước, có một công ty Mỹ mở chi nhánh ở TP HCM, làm về thiết bị hỗ trợ cho cảnh sát. Tôi và một người bạn cùng nộp hồ sơ, cùng vượt qua năm vòng phỏng vấn. Cuối cùng, bạn tôi không được tuyển do không có bằng cấp (bạn nghỉ ngang để đi làm), còn tôi thì trúng tuyển. Hiện tại, lương tháng của tôi là 3.000 USD. Công ty không quản lý thời gian làm việc nên buổi sáng tôi có thể thong thả 10 h mới tới văn phòng cũng được, buổi chiều xong việc về sớm một chút cũng chẳng sợ phàn nàn.
Nói vậy để thấy, nếu bạn có một sự lựa chọn đúng đắn ngành nghề ở đại học, công với sự chủ động quyết tâm ngay từ đầu, cơ hội để thành công trong tương lai luôn rất rộng mở. Còn một khi đã chọn sai ngành, không phải ai cũng có đủ quyết tâm, thời gian và cơ hội để làm lại từ đầu một cách dễ dàng. Đừng để quan niệm "học gì cũng được, miễn là giỏi" khiến bạn sai đường và ảo tưởng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.